Vì sao tu hành nhiều mà vẫn không được giải thoát
Những nguyên nhân dẫn đến việc tu hành chưa giải thoát. Có rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là:
• Chưa buông xuống sạch.
• Còn dính mắc vào pháp tu hành.
• Dính mắc vào những thứ khác trong chùa hoặc ở nơi tu tập
Chúng ta hãy đi sâu vào phân tích 3 vấn đề này:
1. Chưa buông xuống sạch.
Người đến với đạo Phật đều hiểu câu nói này, nhưng mấy ai buông xuống được, vì còn vướn bận gia đình, tài sản, nghề nghiệp, tình cảm, tiền bạc của cải, sự hiểu biết, tư tưởng, những dục lạc thế gian,… Đó là xả phần thô, xả phần vi tế là xả khi sống đời sống độc cư. Chỉ cần buông xuống hết là đã gần như giải thoát rồi còn gì. Bạn có tin không. Đến cuối bài này bạn sẽ hiểu.
2. Còn dính mắc vào pháp tu hành.
Tại sao lại nói như vậy? Đạo Phật chỉ rõ cho chúng ta thấy chỉ có buông xuống sạch thì giải thoát, Vậy việc chính là buông xuống sạch, việc phụ là các pháp tu hành. Nhưng khi mọi người đến với đạo Phật thì “coi việc phụ làm việc chính”. Họ thường ôm pháp tu hành từ ngày đến đêm, từ lúc vào chùa đến lúc chết.
Ví dụ như: ngồi thiền, gỏ mõ tụng kinh, niệm phật, tham công án, đọc thần chú, ôm pháp Thân Hành Niệm đi kinh hành suốt ngày, tu Định Niệm Hơi Thở gom tâm, nhiếp tâm vào đề mục nào đó, theo dõi hơi thở hay bụng phình xẹp, ngồi gò bó thân tâm khiến thân tâm bị ức chế dẫn đến tẩu hỏa nhập ma rơi vào các loại tưởng ma.
3. Dính mắc vào những thứ khác trong chùa hoặc ở nơi tu tập
Khi buông xả những phần thô ngoài đời, vào chùa chúng ta thường lại bị dính mắc pháp tu hành và những thứ linh tinh khác làm cho tâm càng chướng ngại thêm đó là: danh lợi trong chùa, tiền bạc, hơn thua, chuyện người khác, chuyện tu hành của người khác, chuyện đúng sai phải trái, chuyện tổ chức quản lý trong chùa, chuyện xây dựng, chuyện sữa chữa tu bổ chùa, làm công quả, chuyện giảng đạo (tu xong rồi tính sao), chuyện của phật tử, chuyện làm từ thiện, chuyện ăn uống, nấu nướng, v.v…
Chỉ cần chúng ta hiểu rõ chùa cũng là một nơi thử thách khác, cũng không khác gì ngoài đời, đó chỉ là một không gian thu nhỏ lại của ngoài đời thôi, cuộc sống sinh hoạt cũng giống ngoài đời chứ không phải thiên đường gì cả, cũng đầy người có tham sân si như ta cả.
Việc của ta là xả tâm. Tất cả mọi cảnh vật, chuyện xảy ra trong chùa cũng là những thử thách, là những đối tượng để ta tu tập xả tâm cho sạch. Nếu ta xác định vào đó tìm đường giải thoát thì không nên dính mắc vào bất kỳ chuyện gì cả, còn những chuyện khác có ban đời sống lo. Ai làm gì mặc kệ, “chuyện ta ta tu, chuyện họ họ lo”.
Tu theo đạo Phật chỉ cần buông xuống sạch tất cả, sau đó tìm một chỗ thanh tịnh, yên tĩnh để sống:
• Đời sống độc cư: là đời sống một mình trong một cái nhà nhỏ, không nói chuyện với ai để từ đó có thời gian nhìn lại tâm xả tiếp những niệm vi tế. Chỉ cần “ngồi chơi tự nhiên” như người nhàn hạ, không làm gì hết, nghĩa là không cần ngồi thiền, xếp bằng, kiết già gì cả, ngồi sao cho thoải mái là được, nằm cũng được chứ sao, miễn tỉnh táo là được.
• Giữ gìn giới luật đức hạnh đến suốt đời: đó là hạnh ăn một ngày một cử, không ăn uống phi thời, ngủ ít, ngủ không phi thời, sống 3 đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng vui vẻ, sống thiểu dục tri túc 3 y một bát, giữ gìn các giới luật như 10 giới thánh đức sa di.
Do vậy, sau khi các bạn xả bỏ phần thô, hãy tìm một nơi yên tĩnh để sống đời sống độc cư, ở đâu cung cấp cho bạn một chổ như vậy thì quá là lý tưởng, vì chỉ có sống như vậy mới giải thoát hoàn toàn.
Bài kinh “Sống Một Mình Như Con Tê Ngưu” đức Phật đã khuyên chúng ta rất rõ ràng. Chính độc cư là bí quyết của xả tâm và thiền định. Thiền viện Trúc Lâm hay chùa nào cũng được, miễn sao ở đó cung cấp cho bạn một căn nhà nhỏ để sống đời sống độc cư, một ngày một bữa ăn.
Riêng tôi biết có một tu viện tại Trảng Bàng, gọi là Tu viện Chơn Như, khi đến đó các thầy sẽ cho bạn một căn nhà nhỏ, và đầy đủ mọi thứ cần thiết tối thiểu, kể cả quần áo, bát. Bạn không cần mang theo gì cả. Xả sạch ngoài đời tất cả, chỉ mang cái thân vào thôi. Không cần mang tiền vào, vì vào đó là phải giữ gìn giới luật thứ 10 trong giới sa di “không nên cất giữ tiền bạc”. Vào đó các bạn chỉ cần sống với 3 đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng, giữ gìn 3 hạnh là ăn, ngủ và độc cư. Vào đó các thầy sẽ dạy cho chúng ta những cách đi kinh hành để phá hôn trầm thùy miên, buồn ngủ, cách tu “Định niệm hơi thở” cho người mới để biết nhìn rõ quan sát từng tâm niệm.
Sau khi thực hành thành thạo rồi thì chúng ta không cần ôm những pháp tu đó nữa, vì “chúng chỉ là vũ khí diệt giặc thôi, có giặc hôn trầm thùy miên buổn ngủ thì đem ra sử dụng, còn không thì thôi, ngồi chơi cho sướng.”
Khi sống một mình thì chúng ta đừng ôm pháp nào tu hết, sống đời sống bình thường như một người bình thường trong một căn nhà nhỏ, như đi “an dưỡng” vậy đó, đến giờ thì ăn, đến giờ thì ngủ, ngoài ra thì chỉ cần ngồi chơi xả tâm. Tâm khởi niệm nào dục hay ác pháp thì đuổi đi, niệm thiện thì làm cho sanh và tăng trưởng, niệm không thiện không ác thì kệ nó. Đuổi bằng phương pháp “Như Lý Tác Ý.” Một trong những câu tác ý hữu hiệu nhất là “Tâm bất động, thanh thản an lạc và vô sự”. Đó gọi là buông xả sạch không còn dính mắc vào bất kỳ cái gì hay pháp tu nào. “
Thường người ta đến đạo Phật nghĩ rằng phải tu hành mới được giải thoát, phải ôm pháp nào đó tu để được giải thoát, phải tu để có thần thông, phải nhập thiền định để có Tam Minh Lục Thông, phải niệm Phật giữ tâm không niệm để tiếp tục sang một thế giới khác tu tiếp, phải thông suốt các công án, phải có thần thông, phải ngồi thiền, phải tu pháp Thân Hành Niệm, tu pháp Định Niệm Hơi Thở, phải theo dõi hơi thở, bụng phình xẹp, hay chú tâm vào đề mục nào đó, phải học những cái gì đó cao siêu, những tư tưởng cao siêu thoát tục để ra giảng dạy, chính những tư tưởng như vậy là đã làm mất sự giải thoát rồi.”
Đức Phật đã nói: “Đạo ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Nghĩa là khi bước chân vào đạo Phật tu đúng, buông xả sạch thì giải thoát ngay rồi chứ đâu cần phải dụng công từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác, từ ngày đầu tiên vào chùa đến ngày chết, từ kiếp này sang kiếp khác, từ thế giới này đến thế giới khác. Các bạn xem lại thử có giải thoát không?
• Ngồi thiền, gom tâm, nhiếp tâm, chú tâm vào đề mục, vào cơ thể, vào hơi thở, gò bó thân ngồi thiền làm cho thân tâm bị ức chế đau nhức lưng, chân, nhức đầu,… thì sao gọi là buông xả, sao gọi là giải thoát.
• Tụng kinh gỏ mỏ, niệm Phật thì mỏi miệng, mỏi tay, mõi chân, mõi lưng, đầu phải nhớ kinh, phải học kinh, làm ồn hàng xóm và những nhà xung quanh, v.v…
• Luyện đọc thần chú mỏi miệng, ùm òm ồn ào.
Chắc các bạn đã từng nghe những câu chuyện thời đức Phật. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, liền có nhiều người chứng đạo. Tại sao vậy? vì pháp Phật rất cụ thể đơn giản. Họ hiểu được chỉ cần buông xả tất cả là tâm đã giải thoát, khi họ hiểu được rồi, họ quyết đi theo Phật, sống đời sống đức hạnh như Phật thì họ đã giải thoát rồi. Họ đâu có ngồi thiền, tụng kinh, gỏ mõ, đọc thần chú để được giải thoát, Chỉ cần hiểu phải buông xả sạch là tâm đã giải thoát.
Do vậy, kính thưa các bạn, tu theo đạo Phật dễ dàng và đơn giản vậy thôi, không có cao siêu, trừu tượng, khó hiểu hay khó làm đâu. Ai tu cũng được, người già đến 80, 90 tuổi vẫn tu được. Chỉ cần có “tri kiến nhân quả”, buông xuống hết là giải thoát. “Buông xuống đi, buông xuống đi Vạn Pháp vô thường, buông xuống đi”
Sau khi đọc bài này chúng ta đã thấy rõ con đường giải thoát không khó, nó nằm trong tầm tay của chúng ta, Chúng ta hãy buông xuống hết, không cần đọc sách nhiều chi cho mệt nữa, đọc nhiều chỉ thành cái tủ sách. Chỉ làm cho tâm ngã mạn càng cao, thích tranh luận hơn thua, thích lên diễn đàn để khoe khoang sự hiểu biết của mình, thích phê phán người khác, dạy đời người khác, v.v…
Hãy cùng nhau lo tu giải thoát cho mình trước. Nếu còn duyên nhân quả với người thì sẽ giúp cho họ sau, hết duyên thì nhập Niết Bàn như Phật. Có câu hỏi làm sao biết được ngồi chơi như vậy là giải thoát? Bạn đã buông xả hết rồi, bạn thử hỏi bạn có còn tham sân si không? Bạn đang sống với tâm không tham, không sân, không si, không mạn, không nghi. Bạn đã chặt bỏ tất cả kiết sử rồi. Tâm bạn lúc này đã dần dần từ từ bất động, thanh thản an lạc và vô sự. Đó là trạng thái của tâm niết bàn rồi còn gì, bạn đang sống với tâm niết bàn thì có chết sẽ tương ưng với Niết bàn. Khi các bạn đọc Tứ Diệu Đế: Khổ Tập Diệt Đạo. Chân lý thứ 3 là Diệt, đức Phật đã xác định khi diệt hết tham sân si mạn nghi là Niết bàn, nghĩa là trạng thái tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự là niết bàn rồi. Đức Phật đâu có nói phải nhập định, phải có tam minh, phải có thần thông mới gọi là niết bàn. Định, Tam Minh là kết quả của đời sống đức hạnh giới luật.
Giới luật đức hạnh là đối tượng để cho chúng ta tu tập, còn Định và Tam Minh là kết quả của sự buông xả sạch không còn hạt bụi nào. Chứ Định và Tam Minh không phải là đối tượng để ta tu tập. Mọi người nhằm, thường nhắm vào Định và Tam Minh Lục Thông mà tu tập, bỏ qua Giới Luật đức hạnh cho nên tu hoài không thấy giải thoát. Tu không biết lúc nào giải thoát, cứ nghĩ phải tu nhiều đời nhiều kiếp, phải qua thế giới của các chư Phật mà tu tiếp. Những tư tưởng đó đã hại chúng ta không tìm thấy sự giải thoát trong hiện tại. Tu mà không cần giới luật đức hạnh là tu rơi vào tưởng định, phát sinh tưởng tuệ, tưởng mình đã chứng đạo, tuệ đó cũng có tam minh ngủ thông nhưng vẫn còn tái sinh luân hồi như các vị Lạt Ma Tây Tạng, bởi vì dục và tham sân si vẫn còn, còn thì tự nhiên phải tương ưng với thế giới tham sân si của chúng ta thôi. Còn đối với đức Phật đã diệt hết tham sân si thì có muốn luân hồi cũng không được, vì có còn tham sân si đâu mà tương ưng với thế giới của chúng ta. Đức Phật chỉ có thể tương ưng với Niết bàn thôi.
Tóm lại, sự giải thoát ở ngay trước mắt các bạn, muốn giải thoát hay không là tùy ở mỗi người. Không ai ép hay khuến dụ bạn đi con đường nào. Tự mỗi người chúng ta biết phải chọn con đường nào là sáng suốt cho cuộc đời của mình. Kính chúc tất cả các bạn buông xả sạch trong đời sống hiện tại, để được sự giải thoát ngay đúng như lời đức Phật dạy: “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”.
ST