Duyên nợ dưới góc nhìn Phật giáo

Duyên nợ – Có một chàng trai đau khổ vì người yêu bỏ đi lấy chồng. Anh ta tìm lên chùa và hỏi 1 vị sư thầy: Tại sao Con yêu cô ấy nhiều như thế mà cô ấy vẫn đi lấy người khác?

Sư thầy mỉm cười và cho anh chàng xem một chiếc gương. Trong đó có hình ảnh 1 cô gái đẹp khỏa thân nằm chết bên đường. Mọi người đi qua đều bỏ đi…Chỉ có 1 anh chàng dừng lại nhưng cũng chỉ đắp cho cô gái ấy 1 cái áo rồi cũng bỏ đi. Mãi sau có 1 chàng trai khác đến và đem xác cô gái đi chôn.

j

Sư thầy nhìn anh chàng và nói: Kiếp trước anh mới chỉ là người đắp áo cho cô ấy thôi. Còn người chồng cô ấy lấy bây giờ chính là người kiếp trước đã chôn cô ấy, đó chính là chữ NỢ, anh chỉ có DUYÊN với người con gái ấy thôi!

Phật nói rằng: kiếp sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi. Kiếp này nối tiếp kiếp khác, thừa hưởng và kế thừa lẫn nhau. Con người gặp nhau là bởi chữ DUYÊN, sống và yêu nhau là bởi chữ NỢ. Nhiều cặp Vợ chồng, đôi lứa đang sống với nhau mà một trong hai người bỗng có tình cảm với người khác, dẫn đến chuyện chia tay. Những người dung tục sẽ nói người kia là trăng hoa, đểu cáng… nhưng thật ra đó chỉ là người ta đã trả xong nợ và đã đến lúc phải rời đi. Chuyện tình cảm không thể níu kéo được.

Trong thế gian người ta cũng thường nói có nợ thì mới có duyên, duyên của thế gian đến như một sự nhân quả, đến để trả nợ cho nhau ở kiếp trước. Trong sự tái sinh luân hồi, duyên sẽ tồn tại, nhân – quả ân oán đời trước sẽ theo duyên này đến đời sau.

Trong đạo Phật thì kiếp trước và kiếp này hay quá khứ của kiếp này không hoàn toàn khác nhau mà là một, một sự chuyển đổi, hoán đổi và liên tục từ cảnh giới này sang cảnh giới khác nhưng nghiệp lực không thay đổi.

Lấy ví dụ: Hai vợ chồng thương nhau sống với nhau hạnh phúc, nhưng bỗng nhiên người vợ hay người chồng lại có thêm người khác bên ngoài. Đó là nhân quả của duyên và nợ. Điều này bị xã hội vô cùng lên án đó là vi phạm đạo lý làm người, là tội lỗi nặng nề. Phật giáo thì xem đó như là món nợ mà người đó phải trả, hoặc chính họ tạo ra một nghiệp mới (nợ).

Đến với đạo Phật, phải biến chuyển đổi tình cảm và nợ duyên đó thành phước lành giúp cho mình tinh tấn trong việc phụng sự đạo Pháp mới mong được giải thoát được nợ duyên đó. Để hướng đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc ngay tại đời này.

Còn đối với những người không thấm nhuần giáo lý cao siêu nhiệm mầu của đức Phật thì xem nó như là một trò chơi tình ái và dục vọng, vì vậy mà nghiệp vẫn còn, và tự chuốc lấy khổ đau, khi gia đình ly tán, ghen tuông, kiện tụng đeo đẳng đời sống của ta….Và do vậy, luân hồi duyên và nợ.

Trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều thắc mắc khó lý giải như:

Vì sao ở thế gian có đôi vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc nhưng chỉ một thời gian ngắn ngủi rồi chia tay? Vì sao có đôi bạn trẻ yêu nhau rất lâu khi sắp thành hôn lại bỏ nhau?

– Đó là duyên, nợ đã hết.!

Vì sao hai người vừa gặp nhau trong giây lát đã tin tưởng và yêu say đắm?

Vì sao có đôi vợ chồng người vợ bị đánh đập, mắng chửi tàn nhẫn nhưng vẫn tận tâm chăm sóc chồng không bỏ được?

Vì sao có người luôn quan tâm lo lắng và hết mực yêu thương người bạn ngoài đời hơn cả chính mình?

Tất cả là vì nợ – duyên vẫn còn, đó là nghiệp của mình tạo ra ở kiếp trước nên mình phải trả. Là người con Phật phải biết tu tập lấy tâm từ bi hóa giải nghiệp chướng đó mới mong thoát khỏi luân hồi duyên nợ, đó mới là trách nhiệm của người có hiểu đạo Phật!

Và cứ như thế ta tu tập từ đời kiếp này sang đời kiếp khác thì chúng ta tìm đến cái Duyên với Phật Pháp. Chúng ta sẽ hưởng Phước lành nếu biết tạo cái duyên nợ của thế gian đến với Phật Pháp. Có thể duyên đó đến trong giây lát rồi biến mất và cũng có thể duyên đó tồn tại mãi mãi đến kiếp sau vì trong duyên đó còn có nợ. Nhưng còn nợ của duyên thì phải trả, không trả thì còn nghiệp mà còn nghiệp thì không thể giải thoát.

Như vậy chúng ta phải tu tập ngay từ kiếp này, giây phút này đừng để chậm hơn, để chúng ta có cuộc sống an lạc tương ứng.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.