“ Ông Tơ bà Nguyệt ” là ai?

Nam nữ trong nhân gian, chỉ cần một sợi chỉ hồng của “ Ông Tơ bà Nguyệt ” thắt vào chân thì cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ địa vị cao thấp cũng sẽ đúng thời gian mà gặp nhau, kết duyên làm vợ chồng, cùng dắt tay nhau đi qua quãng đời còn lại. Vậy “ông Tơ bà Nguyệt” là ai?

“Ông Tơ bà Nguyệt” gọi tắt là “Nguyệt lão” (tiếng Trung: nguyệt là mặt trăng, lão là ông già). Ông cụ già ngồi dưới trăng, chủ việc hôn nhân. “Ông Tơ bà Nguyệt” là nhân vật nổi tiếng thời cổ đại của Trung Hoa, là thần nắm giữ việc mai mối hôn nhân trong thần thoại Trung Quốc, là “bà mối” trong thiên hạ, chủ trì nhân duyên của cả nam và nữ.

Trong cách hiểu dân gian thì “Lão” có thể là lão ông mà cũng có thể là lão bà. Cho nên, người trần thế lại cũng tưởng mà gán cho cõi tiên những quan hệ trần tục như mình: đã có “ông Tơ” thì thế tất phải có “bà Nguyệt”

Sự thực thì ông Tơ và bà Nguyệt chỉ là hai tên gọi khác nhau của một vị tiên là Nguyệt Lão làm công việc kết duyên tơ hồng cho đôi nam nữ mà thội. Sau này ông Tơ, bà Nguyệt được dùng với nghĩa rộng dùng để chỉ những người chuyên mối lái trong việc dựng vợ gả chồng. Dĩ nhiên, những ông mai, bà mối trong xã hội còn được mọi người gọi là ông Tơ, bà Nguyệt này là người trần mắt thịt chứ chẳng phải là tiên

Những Ghi Chép Về “Ông Tơ Bà Nguyệt”:

Miêu tả về hình tượng “ông Tơ bà Nguyệt”, trong “phù sinh lục ký ” có ghi: “Nhất thủ vãn hồng ti, nhất thủ huề trượng huyền hôn nhân bộ, đồng nhan hạc phát.” (Tạm dịch: Ông già tóc bạc trắng, da hồng hào một tay cầm sợi chỉ đỏ, một tay cầm cuốn sổ ghi chép hôn nhân).

Câu chuyện về “ông Tơ bà Nguyệt” xuất hiện sớm nhất là ở vào triều đại nhà Đường, sau đó được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian. Dân chúng thời ấy cho rằng, “ông Tơ bà Nguyệt” nắm giữ nhân duyên của nam nữ bởi vì tại khắp nơi người ta đều dựng tượng “ông Tơ bà Nguyệt” để cầu phúc, nói lên thái độ tin tưởng rằng “duyên đã định từ kiếp trước”trong tình yêu và hôn nhân của người triều nhà Đường.

Nhà văn họ Lý, nổi tiếng của triều nhà Đường có ghi chép về “ông Tơ bà Nguyệt” trong “Tục huyền quái lục – đính hôn điếm”. Kể rằng, có một thư sinh tên là Vi Cố đi kén vợ. Anh ta gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng ở trên bậc thềm. Anh ta tiến lại hỏi ông cụ xem sách gì, liền được ông cụ trả lời rằng sách này ghi chép tên những người lấy nhau trong thiên hạ. Vi Cố lại hỏi ông cụ rằng trong túi vải đựng vật gì? Ông cụ trả lời rằng: Trong túi đựng những sợi chỉ hồng, dùng để buộc hai người trai gái phải lấy nhau, không sao gỡ ra được. Cho dù hai người ở cách xa nhau, địa vị cao thấp thể nào thì chỉ cần một sợi chỉ hồng này cũng sẽ suốt đời không thoát ra được.

Trong “Tục huyền quái lục – đính hôn điếm”, “ông Tơ bà Nguyệt” dùng sợi chỉ hồng buộc hai người nam nữ lại với nhau thì tức là nhân duyên đã được kết thành. Đồng thời cũng phản ánh quan niệm hôn nhân của người triều nhà Đường: Nhân duyên giữa người với người là do trời xanh định sẵn, người đời sau không thể cải sửa. Hai người sở dĩ có thể trở thành vợ chồng đều là do trước đó đã được “ông Tơ bà Nguyệt” tuyển định và dùng sợi chỉ hồng buộc họ lại. Vì vậy, trong dân gian, người ta dựng tượng ông lão dưới trăng, lập miếu để khẩn cầu được nhân duyên tốt lành.

Nguồn Gốc Của “Ông Tơ Bà Nguyệt”

Vi-co-gap-ong-to-ba-nguyet
Vi Cố gặp “Nguyệt lão”

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, vào thời nhà Đường, có một thư sinh tên là Vi Cố, trên đường đi đến Tống thành nghỉ tại một nhà trọ. Buổi tối anh ta ra ngoài đi dạo bộ thì gặp một ông lão trên lưng khoác một chiếc túi vải đang ngồi đọc sách. Vi Cố kinh ngạc, lập tức tiến đến trước mặt ông lão hành lễ rồi hỏi: “Vì sao đã hơn nửa đêm rồi mà ông còn ngồi một mình ở đây?”

Ông lão trả lời: “Ta đang xem sách hôn nhân! Cuốn sách này ghi lại quan hệ nhân duyên của con người trong thế gian.”

Vi Cố nhìn thấy một túi gấm to bên cạnh ông lão thì lại hiếu kỳ mà hỏi. Ông lão không trực tiếp trả lời mà lấy ra một sợi chỉ hồng từ trong túi gấm, loáng một cái trong không trung xuất hiện một đường ánh sáng màu đỏ sáng rực rồi lấp lánh ở dưới chân của Vi Cố. Ông lão nói với Vi Cố rằng: “Sợi chỉ hồng này dùng để buộc chặt chân của hai người sẽ trở thành vợ chồng. Cho dù hai người là kẻ thù của nhau, dù là ở cách xa nhau vạn dặm, chỉ cần sợ chỉ này thắt vào chân hai người thì họ sẽ cả đời không thể tách rời nhau.”

Vi Cố nhìn thấy việc hôn sự của mình vừa được ông lão định rồi liền sốt ruột hỏi vợ mình là ai.

Ông lão chỉ nói một câu: “Con gái của bà lão bán rau ở chợ phía bắc”. Nói xong, ông lão liền biến mất.

Sáng sớm hôm sau, Vi Cố vì muốn nhìn thấy người vợ tương lai của mình như thế nào nên ăn mặc sạch đẹp đi về nơi mà ông lão đã nói. Anh ta chỉ nhìn thấy một bà lão bế một bé gái xấu xí nên vô cùng bực bội và buồn bã. Anh ta lệnh cho người hầu phải giết chết bé gái này. Người hầu sau khi đâm một nhát trúng lông mày của bé gái đó liền sợ hãi bỏ chạy.

Vi Cố kết hôn mới phát hiện ra vợ mình chính là bé gái năm xưa
Vi Cố kết hôn mới phát hiện ra vợ mình chính là bé gái năm xưa

Mười lăm năm sau, Vi Cố thành thân. Anh ta lấy con gái của vị quan thứ sử Tương Châu làm vợ. Lúc động phòng, nhìn thấy người vợ xinh đẹp như hoa, Vi Cố vô cùng ưng ý và mừng rỡ. Chỉ có điều, trên lông mày của người vợ này có một vết thương lớn. Vi Cố sau khi hỏi rõ nguyên do của vết thương này mới biết rằng, vợ anh ta chính là bé gái năm xưa từng bị chính mình ghét bỏ mà làm hại. Sau đó vì mất mẹ nên được vị quan thương tình nhận về làm con. Vi Cố vô cùng xấu hổ, cho nên càng dùng tâm đối xử thật tốt với vợ mình. Hai vợ chồng họ sống hạnh phúc đến lúc đầu bạc.

Sau này, câu chuyện của Vi Cố được truyền đến Tống thành. Người dân Tống thành vì để tưởng niệm Nguyệt lão liền đem “Nam điếm” đổi tên thành “Đính hôn điếm”. Từ đó về sau, câu chuyện về Nguyệt lão dần dần được lưu truyền cho đến ngày nay. Mọi người cũng tin tưởng rằng, nhân duyên giữa nam và nữ là do Nguyệt lão kết thành. Người ta bắt đầu dựng lập tượng và chùa thờ cúng Nguyệt lão. Các chàng trai và cô gái mong muốn có mối nhân duyên tốt đều đến những ngôi chùa này để cầu phúc, hy vọng Nguyệt lão cho mình một mối nhân duyên tốt đẹp.

Tục lệ hôn sự và tục lễ tế Tơ Hồng của Việt Nam.

2mng301

Theo tín ngưỡng của dân ta vị thần linh chủ về hôn sự là ông Tơ bà Nguyệt. Dù cho địa vị xã hội cao sang hay nghèo nàn, dù gặp hoạn nạn, hay may mắn, cuối cùng ai cũng phải tuân theo số mệnh. Văn chương bình dân cũng như thi ca Việt Nam thường nhắc nhiều tới những vị thần linh chủ về hôn sự này.

Ông bà tổ tiên ta cũng có tục lễ tế Tơ Hồng để tưởng nhớ Lão nguyệt, vị thần Tình duyên. Trong các nghi thức đám cưới của người Việt thời xưa đều có nghi lễ nghi thức này. Nguyệt Lão là vị thần Tình duyên theo sự tích Vi Cố đời Đường kể trên.

Theo đúng ý nghĩa của tục lệ, lễ tế thần Tình duyên phải tổ chức tại phòng hoa chúc vào tối tân hôn. Về sau người ta bày ra tục lệ tế thần Tình duyên tại sân nhà.

Theo tài liệu cổ học “Đất lề Quê thói”, ngày xưa lễ tế Tơ Hồng được tổ chức ngay lúc sau khi đưa dâu về đến nhà, trước khi yết lễ tổ họ, lễ yết gia tiên và chào mừng ông bà cha mẹ họ hàng, có ý rằng khi cô gái bước chân về đến nhà người là nên duyên vợ chồng, lương duyên do ông Tơ chắp mối se lại, điều trước tiên là nghĩ đến công đức của Ông tơ, để ông chứng kiến việc hôn phối đã thành đồng thời tạ ơn Ông.

Tương truyền, ngày rằm tháng tám âm lịch là ngày sinh nhật của Nguyệt Hạ Lão Nhân. Vào ngày ấy, có rất nhiều trai đơn gái chiếc đến Miếu Thờ của Nguyệt Lão để cầu cho được mối lương duyên. Cũng có rất nhiều người được thỏa nguyện nên mang “bánh mừng”, “đường mừng” đến cúng tế, trả lễ.

Từ hình tượng Ông già dưới trăng có thành ngữ Nguyệt Hạ Lão Nhân, còn Nguyệt Lão, là cách nói tắt của thành ngữ này. Và những chữ: Tơ hồng, Chỉ hồng để chỉ việc nhân duyên vợ chồng. Những chữ Ông Tơ, Nguyệt Lão, Trăng già, … cũng do điển này mà ra.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.