Truyền thuyết về Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Linh thiêng một tình yêu
Chử Đồng Tử là tên của một vị thánh nổi tiếng, một trong “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng Việt Nam.Truyền thuyết về Chử Đồng Tử – Tiên Dung là một trong những huyền sử được ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái kể về thời kì cổ xưa của nước Việt Nam.
Chử Đồng Tử – Tiên Dung, những con người không tham danh vọng, không màng phú quý vinh hoa, suốt đời chỉ tìm đến với những cái đẹp trong thiên nhiên, khai phá tạo dựng những bãi bồi phù sa đã đi vào cõi bất tử trong tâm linh của người dân đất Việt.
[su_carousel source=”media: 351,352″ width=”660″ height=”400″ title=”no”]
Sự gặp gỡ có phần kì bí đã thêu dệt nên một thiên tình sử lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Lạ lùng là ở đây có một tình yêu và quan niệm bạo dạn, tới mức dũng cảm, vượt qua tất cả mọi ranh giới. Nàng Tiên Dung dám yêu, dám lấy chàng Chử Đồng Tử nghèo hèn, bất chấp mọi lễ giáo phong kiến và ngôi vị thứ bậc trong xã hội. Đây là một nét đẹp đậm chất nhân văn nhất trong bốn vị Thánh của “Tứ bất tử”. Câu chuyện thể hiện nguyện vọng xây dựng một cuộc sống phồn vinh vật chất trên nền tảng một tình yêu đích thực.
Truyền thuyết về Chử Đồng Tử – Tiên Dung:
Tương truyền Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân tại Chử Xá (huyện Văn Giang, Hưng Yên); có bản viết là Chử Vi Vân. Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo dục). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố phải thay nhau mà mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.
Thời ấy Vua Hùng Vương thứ ba có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Vào một ngày đẹp trời, nàng cho thuyền dạo chơi dọc sông Hồng, lúc đó Chử Đồng Tử đang ngâm mình bắt cá dưới sông, nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh . Ngắm phong cảnh hữu tình, công chúa Tiên Dung cho dừng thuyền, sai thị nữ lên bờ quây màn tắm bên một khóm lau, chẳng ngờ lại đúng nơi chàng trai họ Chử giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy lộ ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Trước người con gái có thân thể ngọc ngà, Chử sợ hãi định chạy trốn nhưng Tiên Dung ngẫm thấy là duyên trời định bèn nói: “Ta và chàng tình cờ gặp nhau thế này, âu cũng là nhân duyên do trời sắp đặt”, liền đó nàng truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên ngay trên thuyền.
Vua Hùng nghe chuyện thì giận dữ vô cùng, không cho Tiên Dung về cung. Tiên Dung thấy vậy không dám về, ở lại cùng Chử Đồng Tử sống cuộc đời bình dị mà hạnh phúc. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hoá trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội, thuyền bè buôn bán tấp nập.
Một hôm có người bày cho cách ra ngoài buôn bán nhiều lãi, Tiên Dung khuyên chồng nghe theo. Chử Đồng Tử bèn theo khách buôn đi khắp ngược xuôi. Một hôm qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Tiên (có bản ghi là Quỳnh Vi – tham khảo “Việt sử giai thoại” – Chuyện kể Chử Đồng Tử; đây là tên một ngọn núi chỉ có trong thần thọai), Chử Đồng Tử trèo lên am trên núi và gặp một đạo sĩ tên Phật Quang. Chàng bèn giao tiền cho khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật. Sau thuyền quay lại đón, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, dụ rằng đây là vật thần thông.
Về nhà, Chử Đồng Tử truyền mọi sự lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học đạo. Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng la liệt. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dân hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng.
Sau kẻ nịnh thần về kinh đô tâu với vua rằng vợ chồng công chúa Tiên Dung dùng phép lạ dựng thành quách, muốn lập riêng bờ cõi. Ngỡ con làm phản, vua Hùng sai quân đến dẹp. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cưỡng lại mệnh cha, chờ chịu tội. Nửa đêm hôm ấy một trận cuồng phong nổi lên, cả lâu đài thành quách của vợ chồng Chử Đồng Tử cùng bay lên trời, để lại một đầm nước rộng mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ.
Nhân dân cho đó là điều linh dị bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế và gọi đầm đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự Nhiên hoặc Bãi Màn Trù và chợ đó là chợ Hà Thị.
Thực sự về mặt lịch sử thì có thể Chử Đồng Tử cũng là một trong những đệ tử đầu tiên của Phật giáo cổ ở nước ta. Truyền thuyết cũng khẳng định đạo Phật cổ đã du nhập vào nước ta từ thời kỳ Hùng vương khoảng 200-300 năm trước công nguyên. Truyền thuyết cũng cho thấy ban đầu cũng có xung đột chính trị giữa tín ngưỡng đạo Phật và tín ngưỡng cổ Văn Lang, giữa Phật giáo cổ và giới cầm quyền của các vua Hùng.
Cảm động trước mối tình bất tử, đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được nhân dân thờ phụng nhiều nơi trên địa bàn đồng bằng và Trung du Bắc bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng.
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội Đa Hòa – Dạ Trạch) được tổ chức ở hai ngôi đền là đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa (xã Dạ Trạch) cùng huyện Khoái Châu. Lễ hội hằng năm đều được tổ chức nhưng với quy mô tổng (tổng Mễ xưa có 9 làng) thì 3 năm một lần. Lễ mang giá trị văn hoá sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm về trước. Đây không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là minh chứng cho nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Thờ cúng:
Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa đã bay về trời nhưng tình yêu của họ vẫn còn mãi với thời gian và bất tử trong tâm linh các thế hệ người dân Việt Nam. Đền thờ Chử Đồng Tử bao gồm hai đền chính.
- Đền Hóa (nơi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân hóa về trời) là đền thờ “Chính” thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trong đền thờ còn có ban thờ Triệu Việt Vương (Do ngày xưa Triệu Việt Vương đóng quân ở đây – đằng sau đền thờ, sâu dưới đất các nhà khảo cổ đã tìm thấy di tích doanh trại có niên đại thời nước Vạn Xuân). Khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ đã đốt đền thờ nhưng không đốt được bia đá. Các di vật như 3 pho tượng cổ bằng vàng-đồng đen, lọ cổ 100 chữ thọ đã được dân cất dấu và sau này chuyển tạm về đền thờ “Tránh” Đa Hòa. Đền đã được nhân dân Khoái Châu dựng lại.
- Đền Đa Hòa thuộc thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Sau khi bình định Bắc Kỳ, trước sự phản ứng của dân chúng, để lấy lòng dân, thực dân Pháp buộc phải chi tiền để khôi phục lại đền Hóa Dạ Trạch. Nhưng tri phủ Khoái Châu đã lấy kinh phí này xây một đền mới ở Đa Hòa tục gọi đền “Tránh” Đa Hòa (tránh nạn) và chuyển các cổ vật như 3 pho tượng vàng – đồng đen và bình cổ 100 chữ thọ về đây. Hướng của Đền Đa Hòa không vuông góc với Sông Hồng mà chéo hướng về phía đền “Chính” Dạ Trạch. Khi bạn đến vái Chử Đồng Tử – Tiên Dung ở đền này là vái vọng về đền Hóa Dạ Trạch.(Khi Pháp phát hiện điều này đã buộc tri phủ Khoái Châu phải huy động dân chúng dựng lại đền “Chính” Hóa Dạ Trạch nhưng không trả lại các cổ vật).
Cả hai đền đều thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân.
Ngoài ra còn một số đền Làng thờ như: Đền Ngự Dội Làng Màn Trầu, huyện Đông Yên nay là thôn Toàn Thắng, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đền Làng Quan Xuyên xã Thành Công huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.