Văn Khấn và Lễ Tạ mộ Cuối Năm

Lễ Tạ Mộ thường được các gia đình làm vào dịp cuối năm. Tục xưa truyền lại, con cháu dù bận như thế nào cũng phải đi tạ mộ. Việc lễ tạ mộ phần vào dịp cuối năm là điều rất quan trọng; nó thể hiện tinh thần hiếu thảo của người Việt.

Nhiều gia đình thường kết hợp lễ tại mộ cuối năm cùng lễ mời ông bà tổ tiên về ăn Tết; phù hộ độ trì cho con cháu một năm mới an lành, mạnh khỏe.

Lễ tạ mộ cuối năm
Lễ tạ mộ cuối năm

Vậy nên làm tạ mộ cuối năm vào ngày nào? Làm lễ thế nào cho đúng?

Ngày tạ mộ cuối năm: 

Theo truyền thống từ xa xưa, lễ tạ  mộ thường được làm vào ngày 20 đến 30 tháng Chạp Âm lịch để chuẩn bị mời ông bà về ăn Tết vào trưa ngày 30.

Làm lễ tạ mộ cuối năm như thế nào:

– Sang sừa phần mộ của người thân được gọn gàng, sạch đẹp.

“Sống cái nhà, chết cái mồ”, người Việt ta có câu như vậy, ý rằng lúc sống có được cái nhà che mưa che nắng thì khi chết cũng có cái mồ làm nơi an nghỉ giấc trăm năm. Phần mộ chính là nhà của người đã khuất.

Cuối năm chúng ta sơn sửa nhà cửa, quét dọn sạch sẽ cho nhà mình thơm tho sạch sẽ đón Tết thì cũng phải nhớ đi tạ mộ cuối năm, sang sửa cho phần mộ của người thân được gọn gàng, sạch đẹp.

Công việc trong lễ tạ mộ là dọn dẹp sạch sẽ cho phong quang, thoáng đãng mộ phần của người mất. Là mộ đất có thể đắp lại nấm cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ, cũng là cách giảm bớt rắn, chuột đào hang, làm tổ. Các cụ già thì lo việc cúng khấn tổ tiên nơi phần mộ.

– Lưu ý khi tạ mộ phải tạ ơn quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần tại mảnh đất đó.

Lễ tạ mộ không chỉ tạ các cụ nhà mình, mà nên hiểu đủ là tạ ơn quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần… đã cho các cụ nương nhờ mảnh đất đó. Con cháu không chỉ quan tâm tới các cụ gần đời mình (như cha mẹ, ông bà tới tam đại, tứ đại), mà ỉ cho trưởng họ, trưởng chi lo cho các cụ cao hơn (gọi là cao tằng tổ tỉ), bởi đó là một thiếu sót lớn vì không có các cụ lớn thì sao có các cụ gần.

Do đó khi đi tạ mộ hãy lưu tâm đến tất cả các cụ trong dòng họ. Cũng cần lưu ý không nên chỉ thắp hương mỗi mộ nhà mình mà các ngôi mộ bên cạnh các cụ cũng nên “thăm hỏi”. Nếu có những ngôi mộ vô chủ cũng cần thắp cho “họ” nén hương.

– Ai không nên đi tạ mộ.

Các nhà tâm linh cho rằng, việc tạ mộ là điều cần thiết nhưng không phải ai cũng nên đi. Ai muốn đi tạ mộ trước hết hay chú ý tới tình trạng sức khỏe của mình. Những phụ nữ có thai, người ốm yếu, đau bệnh, phụ nữ đang kỳ “đèn đỏ”, trẻ em dưới 10 tuổi… không nên tới mộ phần, nghĩa trang. Bởi những đối tượng này rất dễ bị nhiễm âm khí, phong hàn, hoặc một số bệnh thời khí…

– Thời gian đi tạ mộ. 

Thời điểm tốt nhất trong ngày là chọn lúc tạnh ráo, ấm áp. Trong dịp này nhiều gia đình cũng dẫn trẻ em đi theo tạ mộ, trước là để biết dần vị trí phần mộ, sau là tập cho trẻ kính trọng, hiếu đễ tổ tiên. Bởi vậy, không nên đi quá sớm, sương đêm chưa tan, hoặc chiều tối trời về đêm âm khí nặng nề không có lợi cho sức khỏe. Khi thời tiết mưa gió thì không nên tảo mộ, tạ mộ, phải tạm ngừng xây cất mộ.

– Đồ lễ tạ mộ

Phần sắm lễ tạ mộ tùy theo điều kiện, lòng thành của gia chủ. Song thông thường có những vật cúng cơ bản:

Những đồ chuẩn bị để ra cúng tại phần mộ:

  • Hương thơm
  • Hoa tươi ( hoa hồng đỏ) 10 bông
  • Trầu 3 lá, Cau 3 quả cành dài đẹp
  • Trái cây 1 mâm to
  • Xôi trắng 1 mâm bên trên bày gà luộc nguyên con
  • (Thường chọn giò hoặc là trống thiến)
  • Rượu trắng 0,5 lít + Chén đựng rượu 5 cái
  • 10 lon bia + 2 bao thuốc lá + 2 gói chè ( 1 lạng/gói)
  • 2 nến cốc màu đỏ dùng để thắp khi làm lễ

Phần mã thì có:

  • 1 cây vàng hoa đỏ
  • 5 con ngựa 5 màu (đỏ, xanh, trắng, vàng, chàm tím) cùng với 5 bộ mũ, áo, hia ( loại to) cùng với đồ kèm theo ngựa là cờ lệnh, kiếm, roi.
  • Mỗi ngựa trên lưng có 10 lễ vàng tiền (một lễ gồm có tiền xu, vàng lá, tiền âm phủ các loại..)
  • Có 4 đĩa để tiền vàng riêng như sau :
  • 1 đĩa để 3 đinh vàng lá, 1 đinh xu tiền
  • 1 đĩa có 1 đinh vàng lá, 7 đinh xu tiền
  • 1 đĩa có 9 đinh vàng lá, 1 đinh xu tiền
  • 1 đĩa có 1 đinh xu tiền

Đối với vong linh tùy theo là nam, phụ, lão, ấu, mà có áo quần tương ứng dâng tiến cho phù hợp. Ngoài ra có tiền âm phủ các loại kèm theo, tiền xu, vàng lá….mỗi thứ ít nhiều.

Chú ý : nếu phần mộ nhỏ thì phải có thêm mâm, thêm bàn để bày lễ lên sao cho phù hợp.

Đối với nghĩa trang có nơi thờ thần linh Thổ địa riêng thì phải bày lễ hai nơi. Trong đó lưu ý phần mã (chữ bôi đen) là trình bày ở nơi thờ thần linh Thổ địa. Có nơi dâng cây đại thiếc (thay vàng hoa đỏ)

Ngoài ra tùy theo phong tục tập quán ở mỗi nơi mà có sự gia giảm điều chỉnh thích ứng.

– Văn khấn tạ mộ cuối năm: 

NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT!

Con kính lạy:

– Quan đương xứ thổ địa chính thần

– Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần,

– Tiền thần Chu Tước, Hậu thần Huyền Vũ, Tả thần Thanh Long, Hữu thần Bạch Hổ

– Liệt vị Tôn thần cai quản ở xứ này.

Con kính lạy vong linh ……….

Hôm nay là ngày…tháng…năm…, nhằm tiết …..

Chúng con là:……………

Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ mộ phần.
Nguyên có vong linh thân nhân của gia đình chúng con là:……….hiện phần mộ an táng ở nơi này. Đội ơn Chư vị Tôn thần che chở, ban ân, vong linh được yên ổn vui tươi nơi chín suối. Lại nhờ có duyên lành, gia đình chúng con được vong linh thường về ghé thăm, linh ứng giúp chỉ dẫn các công các việc được đầu xuôi đuôi lọt, nhờ thế toàn gia được an ninh khang thái, từng bước tiến bộ.

Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mộ những mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức.

Cúi mong vong linh chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ, tùy phương ứng biến, độ trì toàn gia, từ trẻ tới già, luôn được vui tươi, mạnh khỏe.

Chúng con dâng biếu vong linh tài mã gồm : ….( đọc tên các đồ mã dâng cho vong)
Âm dương cách trở, bát nước nén hương, giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Theo tâm linh thì bàn thờ và mộ phần là nơi để con cháu tưởng nhớ, kết nối với gia tiên. Bàn thờ và mộ phần tổ tiên được chăm sóc tốt và đúng cách con cháu sẽ được phù hộ. Nếu không con cháu có thể bị ảnh hưởng, bởi “âm siêu, dương thái” – nghĩa là phần âm có nhẹ nhàng siêu thoát thì các cụ mới phù hộ được cho con cháu.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.