Truyền thuyết về Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương
Phù Đổng Thiên Vương, phổ biến với tên gọi Thánh Gióng , là một trong bốn vị Tứ bất tử, là 4 vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông được xem là tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.
Triều đại nhà Lý, Thái Tổ Thần Vũ hoàng đế Lý Công Uẩn đã tặng ông là Xung Thiên Thần Vương.
Sự tích Thánh Gióng – Phù Đổng thiên vương ra đời trong khoảng thế kỷ 3-2 trước Công nguyên, thoạt đầu là vị thần khổng lồ có nguồn gốc từ thần đá và thần tre trúc sau đó phát triển lên thành anh hùng dân tộc chống ngoại xâm; gắn với sự hình thành liên minh Âu Lạc bởi nó ẩn chứa trong mình cả hai thành tố Âu, Lạc.
1. Truyền thuyết
Vào đời Hùng Vương thứ VI, tại Kẻ Đổng (còn gọi là làng Gióng Mốt, tên cũ của làng Đổng Xuyên sau này) thuộc bộ Vũ Ninh xưa (sau là đất huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; từ năm 1961 mới sáp nhập vào huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội), có một người đàn bà làm nghề trồng rau, “sống trinh khiết một mình không lấy chồng”. Sau một đêm mưa gió, sáng sớm bà ra vườn cà ven sông, thấy một vết chân lớn chưa từng có. Bà đưa chân mình ướm thử. Nhìn thấy vườn bị giẫm nát, nhưng cà vẫn còn tươi, bà bèn hái về ăn. Sau đó, bà thấy trong mình chuyển động rồi có thai. Gần đến ngày sinh, dân làng biết được, liền đuổi bà ra khỏi làng. Cùng đường, bà phải về ở cữ tại trại Nòn (xóm Ban hiện nay). Vào ngày mùng bảy tháng giêng lịch trăng, bà sinh ra được một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Nhưng đã ba năm mà chẳng biết nói cười, hàng ngày chỉ nằm trên thúng treo trên gióng tre, do vậy mọi người gọi cậu là Gióng. Bà vô cùng buồn phiền lo lắng.
Khi đó, ngoài ngõ vang lên tiếng sứ giả rao mõ báo tin nước có ngoại xâm và nhà vua đang cầu hiền tài ra giúp nước. Chợt cậu bé Gióng bật ra tiếng nói, thưa với mẹ cho gọi sứ giả vào. Bà mẹ và dân làng làm theo. Gặp mặt sứ giả, cậu Gióng ngồi dậy truyền bảo: Ngươi hãy về tâu với đức vua đúc cho một con ngựa sắt cao hơn 18 thước, một cây kiếm sắt dài 7 thước, một roi sắt và một chiếc nón sắt để Gióng đi dẹp giặc. Nhận tin sứ giả tâu lên, vua tức tốc truyền cho làm vật dụng mà Gióng yêu cầu. Rồi sứ giả chuyển đến cho Gióng.
Lại nói chuyện cậu bé Gióng. Từ sau ngày gặp sứ giả, Gióng bảo mẹ và dân làng cứ lo cơm, cà cho Gióng ăn no sẽ lớn lên và đánh được giặc. Bà mẹ cùng dân làng cuống cuồng chạy ngược xuôi lo cơm cà phục vụ cậu Gióng. Khi ăn đến mười nong cơm, ba nong cà, mỗi lần ăn xong một nong lại vươn vai và vụt lớn lên như thổi. Vải vóc do dân làng mang đến rất nhiều để may quần áo mà vẫn không đủ. Dân làng đành phải lấy hoa lau buộc thêm vào để che kín thân. Sau một bữa ăn, Gióng vươn vai đứng dậy, thân cao mười thước, hắt hơi mười tiếng rồi nhảy lên ngựa sắt. Ngựa bị bẹp rúm. Sứ giả sợ hãi cho về đúc lại thành ngựa mới, có đủ nội tạng như ngựa thật, chịu được sức nặng của Gióng. Khi mang ngựa sắt đến nơi cũng là lúc có tin cấp báo giặc Ân đang hoành hành cướp bóc ở Trâu Sơn (!). Thánh Gióng liền đội nón sắt, cầm roi sắt, nhảy lên mình ngựa và thét lớn: Ta là Thiên Tướng đây! Rồi giật cương, ngựa chồm lên, hí dài một tiếng và phi như gió, miệng phun lửa bừng bừng, làm cháy xém cây cối, nhà cửa mấy làng bên (tức các làng Phù Chấn, Phù Lưu và Phù Tảo được mang tên là làng Cháy hiện nay).
Gióng phi ngựa đến chỗ vua đang đóng quân nhận lệnh rồi hướng phía giặc Ân làm tướng tiên phong, quân sĩ ào ào theo sau. Thấy vậy, dân làng trên đường đội quân Gióng đi qua cũng chạy theo, từ trẻ chăn trâu, người đánh cá đến người đập đất, người chài lưới ven sông,… Hai tướng Dực và Minh của đất Hà Lỗ cũng đưa quân theo Gióng. Xung giữa trận tiền, giặc Ân bị đánh tơi bời, đứa thì bị giết, đứa sụp lạy quy hàng. Đang hăng chiến đấu, roi sắt của Gióng bị gãy, chàng liền quờ tay nhổ những khóm tre làng đầy gai mọc gần đấy quật vào quân giặc. Giặc chết như ngả rạ. Hàng loạt dãy tre làng được Gióng dùng vào đánh giặc. Chỗ rặng tre bị nhổ gần núi Trâu Sơn sau biến thành một dải đầm lớn gọi là đầm Thất Gian. Và những mảnh tre bị gãy ném rải rác khắp chiến trường, từ vùng Quế Dương cho đến Đông Ngàn sau này mọc thành loại tre đặc biệt có màu vàng óng ánh nên gọi là tre đằng ngà.
Đánh xong trận ở Trâu Sơn và Hà Lỗ, Gióng cho ngựa phi đến bến Bồ Đề và dừng lại uống nước sông Hồng. Vết chân của ngựa còn để lại hình lồi lõm ở một phiến đá lớn tại làng Phú Viên. Tiếp đó, Gióng lại phi ngựa vượt sông, đi ngược lên hồ Tây, rồi buộc ngựa vào gốc đa bên bờ, nhảy xuống hồ tắm. Nơi này về sau được dân làng Xuân Tảo lập đền thờ cúng. Ăn cơm nắm xong, ngựa đưa Gióng dạo khắp vùng Đông Anh, Kim Anh, Hiệp Hòa. Mỗi nơi ngựa Gióng đi qua đã để lại những cụm ao chuôm mang hình vết chân ngựa. Khi qua Phù Lỗ, đến chân núi Phù Mã, Thánh Gióng bèn cởi áo giáp sắt mắc vào cành đa, thúc ngựa lên đỉnh núi Sóc, để lại nón sắt, roi sắt, nhìn non sông đồng ruộng quanh vùng và hướng về Kẻ Đổng lần cuối, rồi một mình một ngựa bay thẳng lên trời. Hôm đó là ngày mồng chín tháng tư lịch trăng.
Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Ðổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng tư làng mở hội to lắm. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là Làng Cháy.
Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương, phong mẹ Gióng là Thánh Mẫu Bảo Vương, cho làng có xóm Ban nơi Gióng sinh ra được đặt tên là làng Phù Đổng.
Từ đấy trở đi, người dân quê Phù Đổng của Gióng năm nào cũng mở hội vào ngày Gióng bay về trời, để nhớ lại chiến trận năm xưa và tưởng nhớ công ơn của vị Thánh làng mình. Trong khi đó, người dân hàng trăm làng quanh vùng núi Sóc lại mở hội để tưởng nhớ ngày Gióng sinh ra, cùng nhau nhớ về người anh hùng đã có công giúp dân đánh giặc ngoại xâm, cứu nước.
2. Di tích thờ cúng Thánh Gióng
Từ Hà Nội, qua sông Hồng sang bờ bắc chừng 10km là đến trung tâm xã Phù Đổng, nơi có các di tích cổ xưa cực kỳ có giá trị, liên quan đến truyền thuyết về cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Gióng ở chính nơi được cho là đất sinh ra người anh hùng Phù Đổng. Xã Phù Đổng vốn thuộc đất huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh xưa bao gồm 4 làng/thôn: Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên. Nằm áp dòng sông Đuống với chiều dài 4 cây số, Phù Đổng giáp các xã Trung Màu và Lệ Chi về phía đông – nam, giáp xã Đặng Xá phía tây – nam, giáp các xã Ninh Hiệp và Phù Chẩn về phía đông – bắc, giáp các xã Dương Hà và Cổ Bi về phía tây – bắc. Từ năm 1961, khi được cắt chuyển nhập vào địa phận hành chính huyện Gia Lâm, làng Đổng Xuyên được cắt sang xã Đặng Xá, làng Phù Đổng chia thành 3 thôn, làng Phù Dực chia thành 2 thôn.
Đền Thượng
Tương truyền, đền Thượng là nơi thờ phụng Thánh Gióng, vốn được xây cất từ vị trí ngôi miếu có từ thời Hùng Vương thứ VI, trên nền đất nhà cũ của mẹ Thánh Gióng. Sau khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Công Uẩn đã sắc phong cho người anh hùng làng Gióng là Xung Thiên Đổng Thiên Vương Thánh Vị và cho tu bổ thêm nơi thờ tự này với tên gọi là điện Hiển Linh, đồng thời sắc lệnh cho chức sắc cùng dân chúng trong vùng hàng năm tổ chức hội trận Thánh Gióng để tưởng nhớ và ghi nhận công ơn ngài, cấp cho dân 8 giáp 100 mẫu ruộng để lấy hoa lợi cầu cúng quanh năm.
Quần thể di tích đền Thượng hiện nay tọa lạc trên khu đất rộng hơn hai mẫu, thuộc địa phận của thôn Phù Đổng 1, bao gồm thủy đình, ngũ môn, phương đình, hai nhà tiền tế và hậu cung.
Từ trên đê nhìn xuống, là Ao Rối, nơi đã nhiều trăm năm được tổ chức văn nghệ múa rối nước cho dân làng xem vào ngày hội. Nhà thủy đình có kết cấu hình vuông, diện tích mặt bằng 42,25m2, dùng làm nhà múa rối nước, sân vuông dùng làm sân khấu để diễn tuồng, ẩn dưới bóng đa cổ thụ, tán lá sum xuê, vốn được dựng theo kiểu “chồng diêm”, tám mái xải rộng, lợp ngói mũi hài, đầu đao cong vút từ thời Lê Cảnh Hưng (1705) với nhiều bức chạm khắc tinh vi trên gỗ quý theo các đề tài dân dã (như cảnh sinh hoạt dân thường, cảnh người chăn dê, người thổi ống xì đồng,…).
Trước khi vào đền, khách hành hương đi qua ngũ môn (cổng đền) được xây bằng gạch, cao 3,1m, rộng 2m, gồm 5 cửa, mới được tạo dựng chấn song, khuôn bản vào cuối thế kỷ XVIII, chính giữa phía trên án ngữ bức đại tự Thiên Thượng Thần. Hai bên là đôi rồng đá chạm khắc thô nháp nhưng bề thế, khỏe khoắn, cùng đôi sư tử đá (bên dưới khắc dòng chữ ghi niên đại tạo tác vào năm Ất Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh, tức năm 1705 triều vua Lê Dụ Tông). Qua cổng, khách sẽ qua tòa phương đình, chồng diêm tám mái, cách điệu theo dáng một bông sen, mái trên bờ nóc trổ thủng hoa chanh, vút lên bằng hai đầu kìm hình sừng, đầu đao uốn cong tạo ra thế nhẹ nhàng cho hai tầng mái lợp ngói mũi hài thời hậu Lê. Bên trái là nhà thiêu hương, cấu tạo giống thủy đình, nhưng nhỏ hơn, lợp ngói ta, kích cỡ 20 x 30cm. Hai nhà tiền tế án ngữ khá rộng theo chiều bắc – nam; nhà ngoài kết cấu 5 gian, 4 hàng chân cột gỗ lim hoành tráng, do Điền Quận công Nguyễn Huy (1610 – 1675), người làng Phù Dực cạnh Kẻ Đổng đứng ra xây dựng. Nhà trong do Trạng nguyên Đặng Công Chất, người làng Phù Đổng, đứng ra hưng công. Phía chính Đông là hai ngôi nhà 3 gian được lập nên do Đặng Thị Huệ, chính cung của chúa Trịnh Sâm (thế kỷ XVIII) quê chính tại Phù Đổng cung tiến. Phía trong là hậu cung nằm trên thế đất cao hơn, bao gồm 3 tòa nhà cấu trúc theo hình chữ “công” tạo vẻ thâm nghiêm, với tổng số 12 gian, có tượng Thánh Gióng cao 3m, 6 tượng quan văn, quan võ chầu hai bên cùng hai phỗng quỳ và bốn viên hầu cận “tứ trấn”.
Trong đền Thượng hiện có nhiều cổ vật như chiếc ngai thờ từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) được chạm trổ tinh vi, đôi chim mang dáng dấp chạm khắc theo phong cách Trung Hoa do Đặng Thị Huệ cung tiến, một bình hương, nghê đồng, hai thanh kiếm và đôi câu đối do anh em đại thi hào Nguyễn Du cung tiến năm 1818,… Hiện đền Thượng còn lưu cả thảy 25 đạo sắc phong (đời Lê 16 đạo, đời Tây Sơn 2 đạo, đời Nguyễn 7 đạo, trong đó xưa nhất là đạo sắc phong năm Kỷ Mùi 1619 đời vua Lê Thần Tông). Đặc biệt, trong đền hiện còn lưu giữ nhiều bộ câu đối trác tuyệt, trong đó có đôi câu đối của Cao Bá Quát: Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn; Đằng vân do hận cửu thiên đê – (Đánh giặc lên ba hiềm vẫn muộn; Lướt mây tầng chín hận chưa cao!).
Đền Hạ
Chếch ngay hướng đông so với đền Thượng phía ngoài đê là đền Hạ – tên chữ là Khánh Quang điện, nơi dành thờ mẹ Thánh Gióng, được Hùng Vương phong là Thánh Mẫu Bảo Vương nên dân chúng quen gọi là đền Mẫu hay đền Thánh Mẫu. Đây là khoảnh đất cao phía ngoài đê, có đủ nghi môn, hồ bán nguyệt và khu thờ tự gồm hai nhà tiền tế, hậu cung (mới phục dựng năm 1983), nằm trên thế đất cao được xây 7 bậc, xung quanh cây cối đại thụ um tùm. Ngay phía trước cửa đền là ao hình bầu dục (vốn là chiếc giếng đất), nơi hàng năm được dân làng rước kiệu đến lấy nước (lễ rước nước) về đền Thượng làm lễ rửa binh khí. Thần tích của làng Phù Đổng còn ghi, trước đây, Thánh Mẫu (mẹ Gióng) được thờ chung ở đền Thượng. Đến năm Chính Hòa thứ tư (1683), tách ra thờ ở đền riêng trên đất thuộc làng Ngô Xá (quê của Bà – tức làng Đổng Viên). Năm 1693 mới được dân làng thiên di về thờ tại nền đất thờ tự hiện nay. Cụm di tích đền Hạ bao gồm nghi môn 3 cửa, nhà tiền bái 1, nhà tiền bái 2, và hậu cung. Đồ vật thờ tự trong đền Hạ phần lớn mới được sắm sửa những năm gần đây, chỉ duy có đôi phỗng đá, một bộ đài bạc và hai bình hương đá là những đồ cổ quý giá cách đây khoảng vài trăm năm cùng 13 sắc phong của các triều vua (từ Lê Hy Tông năm 1683 đến Duy Tân năm 1909).
Miếu Ban
Nằm ở phía tây đền Thượng, trên đất làng Phù Dực, miếu Ban, còn mang tên gọi là Dục Linh Từ, là nơi thờ mẹ Gióng – Thánh Mẫu. Tương truyền, xóm Ban là nơi mẹ Gióng sinh ra Gióng, vốn thuộc đất khu rừng Trại Nòn nên còn có tên cổ là miếu Trại Nòn. Miếu mới được phục dựng vào thế kỷ XIX, lợp ngói cổ hình mũi hài. Phía sau miếu là giếng Bát Nhũ (Bát Nhũ trì – ao tám vú), giữa giếng nổi lên gò đất nhỏ phẳng, tương truyền đây là nơi Gióng được sinh ra, được cắt rốn bằng liềm đá, được tắm trong thống đá và được mẹ đặt trên sập đá. Hiện nơi đây chỉ còn chiếc thống/bể đá được bày trước hương án có bát nhang thờ Thánh Gióng.
Chùa Kiến Sơ
Liền kề sát phía tây bắc của dải đất đền Thượng, chùa Kiến Sơ được thiền sư Cẩm Thành xây dựng từ trước năm 820, sau khi Phật giáo được truyền vào Đại Việt. Sử cũ ghi năm 820 (thời nhà Đường), sư Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu (Trung Quốc) sang Đại Việt đã được thiền sư Cẩm Thành tôn là thầy và mời trụ trì tại chùa, góp phần mở ra phái thiền thứ hai trong đạo Phật ở nước ta. Lý Công Uẩn khi còn hàn vi đã từng đến đây tu và học kinh Phật, sau khi lên ngôi đã cho tu sửa mở mang chùa. Trong chùa hiện có các pho tượng thờ Vô Ngôn Thông, Lý Công Uẩn, v.v… Dọc hành lang thờ 18 vị La Hán.
Cố Viên
Theo truyền thuyết, Cố Viên (vườn xưa) còn gọi là “vườn rau” hay “vườn cà”, nằm trên thềm đất bãi sông, cách đền Hạ khoảng 500m về hướng đông, tương truyền là nơi mẹ Thánh Gióng ra hái rau, hái cà rồi ướm chân mình vào vết chân người khổng lồ, rồi mang thai sinh ra Gióng. Ở đây có một ngôi miếu nhỏ gọi là Cây Hương, bên cạnh là hòn đá lớn có hình thù đặc biệt với nhiều nét lồi lõm được coi là vết chân người khổng lồ, và một tấm bia mang dòng chữ: Đổng Thiên Vương Thánh Mẫu Cố Trạch.
Giá Ngự
Nằm ở địa phận của thôn Phù Đổng 2, phía bên kia đê, khoảng giữa đền Thượng và đền Mẫu. Giá ngự được thiết kế bằng hai cột trụ đá cao to và một bệ đá bằng hai chiếc chiếu đôi, trên bày hương án, được phục dựng lại vào đầu thế kỷ XX. Vào ngày hội đền, dân làng kéo ngựa thờ – gọi là Thánh Giá, từ đền Thượng đến sau giá ngự, nhìn về phía Soi Bia để chứng kiến cuộc chiến giữa ta và giặc, được biểu trưng qua nghi lễ múa cờ thực hành trong trận đánh thứ hai của ngày chính hội.
Đình Hạ Mã
Nằm trên địa phận thôn Phù Đổng 2, được xây dựng từ đời nhà Lý, với diện tích khoảng 200m2. Hiện chỉ phần móng là còn nguyên vẹn, đình đã bị hư hỏng nặng do thời gian và đã lâu không được tu sửa.
Lễ hội Gióng làng Phù Đổng là lễ hội truyền thống thường niên, hình thành từ thời Lý, được dân chúng các làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên đứng ra tổ chức, trở thành lễ hội nổi tiếng nhất vùng châu thổ Bắc Bộ.