Tín ngưỡng thờ Mẫu, đôi điều cần bàn thêm
Khi có dịp đến nơi thờ Mẫu, chúng ta sẽ cảm thấy thanh thản thư thái bởi không gian tâm linh, âm thanh và ca từ của hát Văn, sự linh thiêng trong cách bài trí bàn thờ, đồ dâng lên hầu Thánh, những bộ khăn áo trang sức của người hầu đồng…
Tất cả tạo nên vẻ đẹp độc đáo được hội tụ, chắt lọc từ cuộc sống đương đại. Và trên hết, giá trị văn hóa Việt đã tạo nên sức sống trường tồn của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian lâu đời của người Việt, song cũng là một lĩnh vực rất nhạy cảm. Nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ dẫn đến bị lạm dụng để mê tín dị đoan. Mẫu là người mẹ, người phụ nữ trong cõi tâm linh của con người, Mẫu luôn sống động trong tâm trí người Việt. Do đó sự thờ phụng tôn vinh Mẫu thông qua hệ thống phủ, đền, miếu và cả các lễ hội là khá phổ biến. Song chúng ta cần có cái nhìn đúng, đầy dủ, chân thực về tín ngưỡng thờ Mẫu.
Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có từ lâu đời và có chuyển biến thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Hiện nay, tín ngưỡng này vẫn đang được thực hành phổ biến và đa dạng ở khắp các vùng miền trên cả nước cũng như trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu là cái tâm hướng thiện, bởi mỗi người mẹ đều dạy con sống hướng thiện. Người đến thờ Mẫu tâm phải sáng. Trong cuộc sống thể hiện là người biết ăn ở, biết đối nhân xử thế, thành tâm thờ phụng ông bà tổ tiên. Cao hơn là biết ơn những người có công với dân, với nước.
Người đến thờ Mẫu thường mang theo niềm tin Mẫu luôn che chở, mang đến cho con cháu sức khỏe, tài lộc và may mắn. Những người thờ Mẫu đều thể hiện tấm lòng thành kính từ khi dâng lễ vật, khi chắp tay vái lạy khẩn cầu. Ngay cả những người làm “dịch vụ” cũng thể hiện cái tâm bằng sự nghiêm túc và coi trọng chữ tín.
Trong thờ Mẫu có 4 màu đặc trưng của tứ phủ: Màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ – miền Trời. Màu trắng tượng trưng cho Thoải phủ – miền nước. Màu vàng tượng trưng cho Địa phủ – miền đất. Màu xanh tượng trưng cho Nhạc phủ – miền rừng.
Dân gian tin rằng Mẫu là đấng tối cao được hóa thân thành tứ vị Thánh Mẫu: Mẫu Thiên, mẫu Địa, mẫu Thoải, mẫu Thượng Ngàn để cai quản 4 vùng trời đất. Mẫu được thờ ở nhiều nơi, từ những đền cao phủ lớn đến các điện tư gia. Thờ Mẫu có khi kết hợp với các vị Thánh ở nhiều vùng miền khác nhau. Mọi người đều tin rằng vì Mẫu là mẹ của mọi người nên luôn che chở phù hộ độ trì cho con người gặp nhiều thuận lợi, có sức mạnh và niềm tin để vượt qua tai ương, vận hạn hay bệnh tật, đem đến cho cuộc sống sự bình yên, sung túc.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng là nghi lễ chính mang tính nghệ thuật sân khấu. Những người lên đồng hóa thân thành các vị Thánh Mẫu, thể hiện sắc diện và động thái đặc trưng trong không gian văn hóa linh thiêng. Người đến tham dự trải nghiệm, cảm nhận được vẻ đẹp của các vị Thánh Mẫu, ngắm nhìn những bộ trang phục lộng lẫy, nghe hát Văn kể về sự tích công trạng của các vị Thánh Mẫu trong không gian nghi lễ với nhiều sắc màu rực rỡ. Sự tương tác giữa người hầu đồng, cung văn và những người tới dự trong không gian buổi lễ khiến con người thăng hoa, quên đi phiền muộn trong cuộc sống hàng ngày. Họ rất vui mừng khi nhận được lộc Thánh Mẫu ban phát.
Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian. Đến nơi thờ Mẫu chúng ta sẽ cảm thấy thanh thản, thư thái bởi không gian tâm linh, âm thanh và ca từ của hát Văn, sự linh thiêng trong cách bài trí bàn thờ, đồ dâng lên hầu Thánh, những bộ khăn áo, trang sức của người hầu đồng… Tất cả tạo nên vẻ đẹp độc đáo được hội tụ chắt lọc từ cuộc sống đương đại. Và trên hết, giá trị văn hóa Việt đã tạo nên sức sống trường tồn của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Nhưng cũng rất cần tỉnh táo với những kẻ lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để buôn thần bán thánh. Cũng vì tín ngưỡng thờ Mẫu thuộc lĩnh vực tâm linh nên nó rất dễ bị lợi dụng, nhất là những đối tượng buôn thần bán thánh.
Trên thực tế có nhiều người nghe theo lời phán của các ông thầy, bà cốt, cô đồng đã tổ chức mở phủ rất tốn kém. Hàng ô tô đồ mã cúng (cả voi, ngựa, hình nhân thế mạng…) bị đốt đi rất lãng phí. Thời gian của một khóa lễ mở phủ có khi cả buổi, số lượng người đông, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Đó là còn chưa kể đến những người quá tin vào lời phán của ông thầy, bà cốt làm méo mó giá trị thực của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tiền của đổ ra chỉ để nuôi béo những kẻ hành nghề mê tín dị đoan.
Trong thời buổi “phú quý sinh lễ nghĩa” này, mọi người – đặc biệt là các chị em phụ nữ – cần hiểu được bản chất của tín ngưỡng thờ Mẫu để đến với chốn tâm linh một cách vui vẻ, thoải mái mà vẫn thể hiện lòng thành kính. Không quá mê muội vào những lời nói của đồng cốt dựa dẫm để hành nghề mê tín dị đoan…