Quan niệm về “tốt lễ, dễ kêu”
Quan niệm “tốt lễ, dễ kêu” trong các vấn hầu đồng đã khiến cho nhiều thanh đồng đua nhau sắm lễ hàng trăm triệu đồng dẫn tới trường hợp có những thanh đồng lao đao vì vay mượn, nợ nần. Liệu có phải lễ hoành tráng được ban lộc nhiều, lễ đơn sơ thì ban lộc ít ?
Bài viết của một thanh đồng Đền Mẫu (xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) sẽ giúp độc giả trả lời câu hỏi này.
Tán gia bại sản vì “đồng đua”, “đồng đú”
Quan niệm “tốt lễ dễ kêu”, dùng đồ lễ to, tiền phát lộc mệnh giá cao, mã lớn như thật… trị giá hàng trăm triệu để cúng lễ đúng yêu cầu, rải thật nhiều tiền để được thánh “ban” nhiều phúc, nhận tài lộc, may mắn đã khiến không ít người tán gia bại sản. Họ chưa hiểu biết khi tham gia vào thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu sao cho đúng với ý nghĩa nhân văn nguyên bản.
Đó là những người chưa hiểu rằng Mẫu là Mẹ, ân đức mẫu là bao dung tất cả, không phân biệt con giàu, con nghèo, chỉ quan tâm tới các Mẫu, các thánh ban “tiền rừng bạc bể”, mà quên lãng giá trị nhân văn “tâm nhất nguyện nhất ứng” và làm biến tướng nghi lễ hầu đồng.
Hiện nay, có rất nhiều thanh đồng hầu từ 50-100 triệu đồng/vấn. Chuyện biến tướng hầu đồng tốn kém nhiều là có thật, xảy ra cả với người có “căn” hay không có “căn” và đã có nhiều trường hợp tán gia bại sản, vỡ nợ vì hầu đồng không đúng giá trị nguyên bản.
Bản chất tâm linh là tốt nhưng bên cạnh những thanh đồng thực hành đúng giá trị hầu đồng chân chính, thì có những người được gọi là “đồng đua” “đồng đú” học đòi, hoang tưởng là được siêu nhiên trợ độ, khi bước chân vào hầu đồng chưa được bậc tiền bối dạy đúng phép tắc của tín ngưỡng nên đã thực hành sai lầm.
Họ cứ nghĩ lễ hoành tráng, vật chất cao là được Thánh chứng giám, ban nhiều tài lộc. Cho nên họ đã vay nợ tiền bạc chồng chất để làm đàn to, lễ lớn, vẽ ra nhiều cái quá sức nhằm “hút” con nhang đệ tử là người giàu, đại gia đến dâng lễ trọng, lễ nhiều.
Ở Hà Nội có những bản hội hầu đồng, các thanh đồng góp 2-3 triệu đồng/năm vào quỹ chung, 30 người đã có 90 triệu đồng. Họ luân phiên nhau nay người này hầu, mai chị kia hầu thì phát cho nhau, vừa giúp đỡ tương trợ nhau, lại không tốn kém.
Có lời đồn là “không có vài chục triệu thì đừng mong hầu ở các phủ chính”, như thế là không đúng, vì các nhà đền không đòi tiền. Ở Phủ Dày bao sái từ cung, tới điện nước tới phục vụ chỉ thu 1 triệu đồng/chiếu hầu, thậm chí nhà nghèo thì nhà đền giúp đỡ, không thu tiền cung. Còn hầu 5 triệu đồng hay 50 triệu đồng, hay hơn nữa là tùy thanh đồng, chứ không phải nhà đền thu.
Trước khi ra hầu đồng, các thanh đồng thường làm nghi thức trình đồng mở phủ, không có định mức nào quy định chi phí, mà tùy hoàn cảnh của thanh đồng mà lễ diễn ra đơn giản, hay hoành tráng. Có người khó khăn được thầy cho tiền giúp đỡ mở phủ và thực tế khi đệ tử báo thầy là “mai con phải hầu, nhưng không có điều kiện, thầy giúp cho”, thì người thầy sẽ lựa theo hoàn cảnh, điều kiện tới đâu làm tới đó.
Lễ sơ mỏng có lộc hay không?
Thờ Mẫu có việc hiến lễ và thánh chấp nhận lễ. Trong đạo có câu “biến vô vi hữu, biến thiểu thành đa”, lễ bạc tâm thành không quan trọng phải sắm nhiều hay ít, mà cốt là cái tâm thành.
Sách về thờ Mẫu rất ít, tản mạn, nhưng cũng không dạy dân phải sắm lễ nhiều, lễ lớn. Sắm sửa lễ sơ, hay lễ hoành tráng thì tùy hoàn cảnh. Nhưng tự người có điều kiện thấy sắm lễ bạc như người nghèo, cảm thấy áy náy mà chọn lễ trọng. Còn người nghèo mà cố đua hầu đồng cho bằng chúng bằng bạn là không đúng.
Mẹ nào cũng bao dung, độ lượng, rất thương xót các con. Nếu con giàu thì mừng, con khó thì thương… chứ Mẫu không truyền mang nhiều tiền, vàng mã cho Mẫu. Còn các “đồng đua”, “đồng đú” quá tay ảnh hưởng tới gia đình và xã hội, sau vài vấn hầu là tự tan, bởi không có điều kiện mà cố vay hầu đồng thì lấy đâu ra mà hầu mãi.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là tôn thờ Mẹ thế gian. Mẫu dạy con người phải sống nhân đạo, có thủy chung, kính trọng cha mẹ, yêu nước thương nòi, thương anh em, làm nhiều việc thiện cho gia đình và xã hội. Mẫu dạy con người sống có tâm, sống nhân đạo, có trước sau.
Còn những biến tướng, mê tín, hoang tưởng là do con người thực hành. Việc truyền miệng dân gian cũng không truyền thanh đồng phải sắm mã lễ bao nhiêu nên nhiều người hiểu lầm và thực hành sai.
Hầu bóng thực hành đúng thì không có mê tín, không quy định người dân cầu tài lộc phải bỏ ra nhiều tiền, sắm nhiều lễ trọng. Bản thân người hầu cần có yếu tố thiêng là có “căn” mới thực hành được, chứ không phải ai lên đồng cũng được và rất nhiều người mới có một người được chọn.
Một trong những nguyên nhân khiến người dân mê tín là do mù mờ về đạo Mẫu, nên bị lợi dụng, cho là sắm lễ lạt nhiều mới được chứng, được tài lộc, bình an. Họ không hiểu quan điểm Phật giáo và đạo Mẫu là không hù dọa, quở mắng, trách phạt “người trần” mà chỉ ban phúc lành, che chở cho nhân gian.
Không thần linh nào đòi hỏi lễ lạt, buôn thần, bán thánh, mà chỉ có con người làm xấu đi các giá trị nghi lễ tốt đẹp và nhân văn…
Nét đẹp trong hầu đồng là cách đối nhân xử thế, tôn kính của người dưới với bề trên. Nguyên gốc hầu đồng là tôn thờ yếu tố thiên nhiên, thể hiện lòng hiếu thảo của con với mẹ, tùy vùng miền nhưng phong tục tập quán đa dạng vẫn chủ yếu là yếu tố nhân văn, đạo lý.
Hầu đồng chính thống không mang màu sắc mê tín, dị đoan mà chủ yếu là khuyến thiện. Tôi khuyên các thanh đồng hãy hầu bóng bằng cái tâm trong sạch, ước muốn những điều có trong thực tế và đời sống và hầu thánh theo khả năng mình có.
Đừng phê phán khi thấy lễ hoàng tráng
Lễ to, lễ hoành tráng hay lễ sơ cần nhìn nhiều khía cạnh. Cuộc sống hiện tại có nhiều người rất có điều kiện, họ luôn biết lựa chọn đồ ngon phù hợp với điều kiện sống của họ. Đi hành lễ, họ lựa chọn hoa thơm, trái đẹp, bánh kẹo, đồ uống dâng lên Thánh – theo quan điểm tùy gia biện lễ, đó là phong cách sống ngoài đời dùng đồ lịch sự của họ.
Ví như hoa cúng, phải là các loại hoa quý như lan, ly, hướng dương… rực rỡ, thơm đẹp, bền, thể hiện lòng tôn kính. Bánh kẹo, đồ ăn uống, vật dụng gương lược… đều hàng ngon, đẹp. Mã phải đẹp và cầu kỳ. Vì thế buổi lễ hầu trông sang trọng, hoành tráng và càng có điều kiện thì họ càng thích dâng Thánh những đồ tố hảo (tốt đẹp) – điều này thì không nên phê phán.
Người có điều kiện sắm lễ theo số lượng người đến dự lễ để phát lộc cho những người được mời dự hầu, mỗi người một chút để vừa lòng, mãn nguyện sau lễ.
Hoa thơm quả đẹp, tiền bạc dâng lên Mẫu rồi thì chia lộc đều cho người dâng, người hầu như nhau, thầy đồng cũng có túi lộc như khách, thể hiện Mẫu không phân biệt, con nào cũng như nhau và đó là nét nhân văn rất riêng của hầu đồng, cái này chúng ta cũng không nên phê phán người có điều kiện dâng lễ hậu.
Nguồn: Facebook