Phân biệt vong hồn, ma, quỷ, yêu tinh, thần, Phật
Quan niệm tâm linh cho rằng con người luôn có 2 phần là phần hồn và phần xác. Phần hồn tức là linh hồn (mang tính phi vật chất). Phần xác là thể xác (chân, tay, mắt, mũi, râu, tóc,…mang tính vật chất). Sau khi con người chết đi thì linh hồn sẽ được siêu thoát (tách khỏi phần thể xác).
Theo đạo Phật, số phận con người sau khi chết ra sao phụ thuộc vào cách sống của người đó trong cõi người. Khi sống làm nhiều việc thiện, tích nhiều công đức thì sau khi chết đi hồn sẽ được thanh thản về lại với đất trời – đó là một trong sáu cõi: cõi trời, cõi thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi quỷ đói, địa ngục. Người càng tốt thì hồn sẽ về những cõi cao, còn ngược lại làm điều xấu, sống gian ác thì sẽ bị đày vào chốn tăm tối vào những cõi thấp.
Sau khi chết, những người có phúc đức lớn sẽ ngay lập tức được về cõi trời hoặc cõi thần, cũng như những người phạm tội cực ác sẽ bị đày vào địa ngục, còn lại đa số những người bình thường khác đều không thể lập tức chuyển sinh mà phải chờ 49 ngày.
Vong hồn
Trong 49 ngày này, hồn được gọi là Vong. Phật giáo gọi đó là thân trung hữu hoặc là thân trung ấm, tức là một loại thân trong quá trình từ sau khi chết đến khi chuyển sinh (đầu thai). Thân trung ấm này thường bị mọi người nhận lầm là hồn ma nhưng thực ra nó là một thể chất có tám linh nhờ nương vào thể khí mong manh mà tồn tại, hoàn toàn không phải là hồn ma.
Trong giai đoạn này, họ chờ đợi cơ duyên thành thục để chuyển sinh. Vì thế, trong khoảng thời gian 49 ngày từ khi người ta chết, gia đình người thân và bạn bè thường làm Phật sự cho họ bằng cách đem những của cải mà lúc sinh thời vong linh yêu quý, cúng dường cho Phật giáo, cứu giúp người nghèo khổ, bệnh tật, đồng thời nói rằng: làm các công đức này là để cho vong linh siêu thoát. Vong linh có thể nhờ đó mà tái sinh đến cảnh giới tốt đẹp hơn. Thế nên, Phật giáo chủ trương siêu độ vong linh, tốt nhất là trong khoảng thời gian 49 ngày. Nếu như để sau khoảng thời gian đó mới làm Phật sự, thì đương nhiên vẫn có lợi ích nhưng chỉ tăng thêm phước đức cho họ chứ không thể thay đổi khác đi loại thân hình hay cảnh giới mà họ đã chuyển sinh.
Trong điều kiện bình thường, đa số vong hồn sẽ sống trong một không gian khác với chúng ta. Tuy nhiên, có những vong hồn còn nhiều “duyên nợ” với kiếp người, chưa thể đầu thai chuyển kiếp ngay thì sau 49 ngày vong hồn vẫn nán lại trong không gian mà chúng ta đang sống. Khi đó vong hồn được gọi là Ma (hồn ma). Duyên nợ ở đây có nghĩa là:
– Vì vong hồn chưa được sống một cuộc sống cõi người đầy đủ (những vong hồn của trẻ em hoặc thai nhi)
– Vì chết quá đột ngột, khiến bản thân không kịp nhận ra là mình đã chết (vong hồn của những người lính, hoặc những người chết vì tai nạn)
– Vì có “ân oán” với một người đang sống nên bám theo để che chở, trả thù, hoặc… dụ về cõi chết sống cùng.
– Vì đói nên phải làm kẻ kí sinh, đi hút năng lượng của con người, động vật và cây cối.
– Vì là âm binh/pháp thân đang được thần hoặc quỷ sai khiến đi thực thi nhiệm vụ.
– Vì đang tu luyện ở những vùng núi non có khí tốt, hoặc những địa điểm linh thiêng.
Ngoài ra, cũng có những mùa mà vong được phép về trần gian. Mùa này thay đổi tùy theo phong tục của các nước khác nhau và theo vòng tiết khí riêng của từng vùng đất. Chẳng hạn như ở châu Âu là khoảng thời gian giữa ngày Halloween (31/10) và ngày Đông chí (22/12) – khi lượng ánh sáng mặt trời ở mức thấp nhất trong năm. Ở các nước Á Đông, đó là “tháng cô hồn” – khoảng thời gian từ 2/7 đến 14/7 hằng năm, khi Diêm vương mở Quỷ môn quan để cho quỷ đói về trần gian, và nửa cuối tháng Chạp, khi âm khí tích tụ ở mức cao nhất. Những giai đoạn này thường đặc trưng bởi một lượng lớn mây xám che kín bầu trời, sương mù và mưa.
Ma
Ma không có hình dáng cụ thể, được miêu tả là những cái bóng trắng mờ ảo, thường tập trung ở những địa điểm chứa nhiều âm khí. Thường là các cây to và lâu năm, như cây đa, cây si, cây gạo… Tiếp đó là những nghĩa địa, những căn phòng thiếu ánh sáng, ẩm thấp và bí khí, hoặc những đoạn bờ sông có nhiều người chết trôi… và cả những địa điểm thờ cúng suy tàn vì tà kiến từ những sư trụ trì rởm, hoặc những tín đồ chỉ tìm đến để xin danh lợi, cầu tiền, quyền…
Trong dân gian lưu truyền tên gọi nhiều loại ma khác nhau:
Ở Việt Nam có: Ma gà, ma xó, ma lai, ma men, ma thần vòng, ma trành,…
Ở Trung Quốc có: Cương thi, ma giấy, hồ ly, yêu tinh,…
Ở Nhật có: Ma búp bê, ma giấy, hồ ly, yêu tinh, ma gấu, ma sói, ma một mắt, ma cổ dài, ma dù,…
Ở các nước phương Tây có: Ma cà rồng, zombie, quỷ Satan, ma cây, ma sói,…
Tính đến thời điểm này, chỉ duy nhất hiện tượng ma trơi (ma chơi) là hiện tượng khoa học đã được các nhà khoa học chứng minh. Còn lại tất cả vẫn là điều bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Quỷ
Quỷ là những vong hồn mạnh và nguy hiểm hơn đa số khác. Đó có thể là vong hồn của những kẻ mạnh từng lún quá sâu vào bóng tối, như những kẻ cuồng sát, hoặc đám doanh nhân, tướng lĩnh, chính khách có khuynh hướng quyền mưu. Đó cũng có thể là vong hồn của những cá nhân kiệt xuất phải chết thảm hoặc chết oan, bị tà niệm định hình trong quá trình chờ chuyển sinh (49 ngày). Một trường hợp khác là những vong hồn đã tu luyện lâu năm, nhưng ôm giữ nhiều tà kiến nên rơi vào mê cung được tạo nên bởi cái tôi và khát vọng quyền năng…
Nói chung, quỷ là những vong hồn tội lỗi âm khí cực nặng không thể siêu thoát nổi, luôn tìm cách trốn chạy khỏi luật âm, lang bạt khắp nơi với ý đồ đen tối, gieo hại cho kẻ khác. Những vong hồn này ma tính rất nặng, mạnh và hung dữ nên gọi là Quỷ. Vì thế nếu khi con người bị vong hay ma nhập thì không nguy hiểm lắm nhưng nếu bị quỷ nhập hay bắt hồn thì quả là 1 vấn đề lớn…Đôi khi quỷ bị nhốt ở dưới địa ngục do nghiệp chướng quá nặng hoặc được giao nhiệm vụ thi hành các hình phạt hà khắc ở các tầng địa ngục.
Khác với ma, quỷ có hình dáng rõ ràng có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Quỷ được miêu tả trông rất ghê rợn: đôi khi máu me bê bết, tóc dài hoặc lưa thưa, răng và móng tay rất dài, mắt đỏ như hòn than trông rất ghê rợn.
Yêu tinh
Yêu tinh là một loài vật do tu luyện lâu năm mà thành. Yêu tinh có phép thuật có thể biến thành hình dạng như mong muốn tùy theo đạo hạnh. Yêu tinh tu luyện càng lâu thì có pháp thuật càng cao và tùy theo nguồn gốc, xu hướng tu luyện mà có phép thuật, sở trường khác nhau. Không giống như ma quỷ thường phải trốn tránh, ẩn nấp ở những nơi u tối, yêu tinh có thể mang hình dạng của một con người và sinh hoạt, làm những việc giống hệt người bình thường.
Đại đa số yêu tinh đều xấu, luôn tìm cách hại người và các loài khác để tăng cường phép thuật, tuy nhiên cũng có những yêu tinh tốt không hại người, chuyên tâm tu luyện, cứu nhân độ thế…đến khi đạo hạnh cao có thể được đắc đạo thành tiên hoặc được các vị thần, Phật giác ngộ, thu phục rồi trở thành cấp dưới của một vị tiên hay Phật nào đó.
Đối với người phương Tây, yêu tinh là loài kết hợp giữa ma quỷ với người bình thường hoặc nửa người nửa thú. Họ cho rằng chúng sở hữu đôi tai dài nhọn với khuôn mặt nhọn hoắt và gớm ghiếc,…sống thành bầy đàn trong những rừng sâu, núi thẳm.
Nói chung, ấn tượng của người Việt Nam về yêu tinh có ảnh hưởng từ Trung Quốc, thông qua những bộ phim cổ trang như Tây Du Ký, Truyền thuyết Bạch Xà, Họa Bì,…
Thần thánh
Thần thánh cũng là một thế lực siêu nhiên vô hình. Theo quan niệm dân gian thì thần thánh có khả năng ban phước, giáng họa cho tất cả những người đang sống. Có 3 loại thần phổ biến:
– Nhiên thần: linh hồn của những vùng đất, rừng, núi, sông có long huyệt. Đó là các vị thần có nguồn gốc thiên nhiên, không phải là những nhân thần, cho dù đã được nhân cách hoá như sơn thần Tản Viên Sơn Thánh, thuỷ thần như Long Vương, thần cây, thần rắn như Linh Lang đại vương…
– Nhân thần: linh hồn của những người tài đức có công với dân, với nước và được trần thế truy phong. Chẳng hạn như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão,…
– Thiên thần: linh hồn mạnh làm việc cho các tập đoàn quyền lực chính thống của cõi trời, cõi âm,…chẳng hạn như Diêm Vương (thần Chết) cai quản địa ngục, Ngọc Hoàng cai quản thiên đình,…
Khoảng cách giữa các loại thần này nhiều lúc không rõ ràng, và khoảng cách giữa họ với quỷ đôi khi cũng thế. Tất cả các vị thần thánh đều làm chính trị, mỗi người quản lý một lĩnh vực nhất định ở cõi dương hoặc cõi âm, chẳng hạn như Thổ địa cai quản một vùng đất nào đó, Táo quân cai quản việc bếp núc trong các gia đình,…
Phật
Phật là một loại hình hơi khác. Phật là những người bình thường đạt đến sự giác ngộ sau quá trình cố gắng tu tập tự thân. Mối quan tâm chính của họ là với chúng sinh. Những tác động của họ đối với cõi dương (cõi người) cũng chủ yếu xoay quanh việc giác ngộ, giải thoát cho muôn loài.
Kết luận:
Vong hồn, ma, quỷ, yêu tinh,…là đại diện cho thế lực siêu nhiên xấu xa, có tác động không tốt với loài người nên con người tỏ ra sợ hãi và tránh xa lực lượng này. Còn thần, thánh, Phật là lực lượng siêu nhiên có phép thuật cao hơn, có khả năng trấn áp, chế ngự thế lực xấu nên con người thường thờ cúng, cầu khấn để mong được che chở, bảo vệ.
Cho đến nay khoa học vẫn chưa thể lý giải các hiện tượng ma quỷ, thần thánh nên đại đa số nửa tin nửa ngờ. Những người “yếu bóng vía” dễ bị ma nhập hoặc đã từng gặp ma, chứng kiến cảnh gọi hồn người chết thì tin, còn những người “cứng bóng vía” thì không tin có ma… Có lẽ cũng vì có quá nhiều câu chuyện huyễn hoặc được thêu dệt vô lý, hoặc những thầy pháp, nhà ngoài cảm “dởm” lợi dụng niềm tin của những người mê tín mà lừa đảo. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì ma, quỷ là phần âm chưa thể siêu thoát, vẫn lang thang, lưu lại ở nhân gian tất nhiên là có lý do; nhưng cũng như con người tâm niệm, suy nghĩ vẫn còn nên sẽ có tốt, xấu không trường hợp nào cũng giống nhau. Quan niệm ta không động chạm họ thì họ cũng không có cớ để hãm hại ta. Sống đàng hoàng tử tế không làm việc xấu thì không có gì phải sợ. Nếu tin thì cũng không nên cuồng tín khiến mình trở nên mê tín dễ bị lợi dụng, còn nếu không tin cũng đừng dùng lời lẽ báng bổ vì đó là lý do có những trường hợp gọi là bị ma trêu, trời phạt…lúc đó đừng đổ tại số phận!