Những phong tục ngày tết truyền thống tại Việt Nam
Xã hội hiện đại có nhiều thay đổi, nhiều truyền thống của dân tộc bị mai một, tuy nhiên những phong tục truyền thống ngày Tết Việt Nam luôn được gìn giữ và lưu truyền. Sau đây Giang Anh xin giới thiệu đến các bạn những nét đẹp truyền thống không thể thiếu được vào mỗi dịp xuân về của dân tộc Việt Nam.
1. Lễ rước vong linh Ông Bà
Trước tiên, người lớn tuổi nhất trong nhà sẽ thắp hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám, phù hộ cho con cháu được nhiều may mắn trong năm mới. Sau đó, con cháu trong gia đình chắp tay cung kính thỉnh vong linh ông bà về ăn Tết. Đây là một phong tục truyền thống ngày Tết rất đẹp và ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn tổ tiên của người Việt Nam.
Lễ rước vong linh Ông Bà được cúng vào chiều ngày 30 tháng Chạp, trên bàn thờ tổ tiên. Người Việt quan niệm đây là lễ mời ông bà về ăn Tết với con cháu, trên bàn thờ được bày 1 mâm cỗ bao gồm trái cây và thức ăn được chế biến cẩn thận gồm những món ăn truyền thống ngày Tết.
2. Phong tục tảo mộ ngày Tết
Người Việt Nam có câu: “Cao nấm ấm mồ” thể hiện một trong những hiếu đạo, kính trọng của con cái với ông bà cha mẹ là việc sửa sang nấm mồ của đấng sinh thành, và các bậc tổ tiên đã khuất.
Tảo mộ là phong tục đẹp, ý nghĩa ngày Tết của người Việt Nam. Người Việt đi tảo mộ vào khoảng ngày 24, 25 tháng Chạp, đến đó họ phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần tổ tiên trong gia đình.
3. Quét dọn, vệ sinh, trang trí nhà cửa đón Tết
Bao giờ cũng thế, quét dọn, vệ sinh, trang trí nhà cửa đón Tết là việc làm không thể thiếu của người Việt.
Tất cả các đồ dùng trong gia đình, từ ghế ngồi, bàn thờ…đều được lau chùi sạch sẽ để năm mới cái gì cũng mới, để có không khí Tết. Nhiều gia đình còn mua những câu đối hoặc tranh tết để treo trên tường như thể hiện mong muốn của gia chủ cho một năm mới với những điều tốt lành. Ngày nay, nhiều gia đình thành phố không có thời gian để tự quét dọn trang trí nên họ thường thuê những dịch vụ dọn nhà ngày Tết cũng rất tiện và giá cả hợp lý.
4. Cúng ông Công, ông Táo
Cúng ông Công, ông Táo cũng là phong tục truyền thống ngày Tết Việt Nam, phong tục này diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp.
Xem thêm: Giờ cũng ông Công, ông Táo tốt nhất.
Người Việt quan niệm trong bếp thì có Thần Bếp là Ông Táo có trách nhiệm theo dõi mọi việc xảy ra trong gia đình rồi trình bào cho Trời. Vì thế, đúng ngày 23 tháng Chạp, người ta dọn dẹp, vệ sinh bếp núc sạch sẽ rồi làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời, với mong muốn ông trình báo với Ngọc Hoàng điều tốt đẹp về gia đình mình. Người Việt cúng ông Táo thì đặt trong bếp và phải có cá chép vì tục truyền rằng ông Táo cưỡi cá chép để lên trời.
5. Gói bánh Chưng, bánh Tét ngày Tết
Miền Bắc ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, tục gói bánh Chưng có từ thời đại Vua Hùng là giá trị truyền thống trường tồn với thời gian. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc và gần 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây, phong tục gói bánh Chưng ngày Tết vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Còn ở miền Nam và từ miền trung trở vào mọi người đều xem bánh tét là loại bánh truyền thống ngày Tết. Dù trong năm khó khăn cách mấy thì người miền Nam vẫn cố gắng gói 5 – 7 đòn bánh tét trước là để bày mâm cúng giao thừa và ông bà tổ tiên sau là biếu cha mẹ, anh chị em… Trong ba ngày tết, bánh chưng, bánh tét là món ăn có thể thay cơm ăn kèm với đĩa dưa món, kiệu, rau muống ngâm chua ngọt…
6. Đi chợ Tết
Chợ Tết là những phiên chợ có phiên họp chợ vào dịp Tết (trước tết từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp), phục vụ cho nhu cầu mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết. Chợ Tết được diễn ra nhiều nơi từ các đô thị cho tới vùng nông thôn, đến các vùng núi rừng, vùng cao cho đến ở Hải ngoại.
Chợ Tết cũng là một trong những phong tục truyền thống ngày Tết của người Việt Nam là đi chợ Tết để cầu duyên, cầu tài lộc, mua may bán đắt. Ngày Tết nhất định phải đi chợ Tết, đây là thời điểm chợ đông đúc, nhộn nhịp, vui tươi nhất và nhiều hàng hóa nhất là các mặt hàng truyền thống ngày Tết. Dịp Tết, người đi chợ mua sắm rất nhiều đồ để dành cho ba ngày Tết. Ngoài việc dự trữ thì người Việt Nam thường cho rằng đầu năm sắm sửa nhiều thì cả năm sẽ may mắn hơn.
7. Hoa tết và mâm ngũ quả
Phong tục truyền thống ngày Tết Việt Nam còn có hoa tết và mâm ngũ quả. Hoa ngày tết thì miền Nam nhất định phải là mai vàng, miền Bắc thì phải có hoa đào. Ngày tết gia đình nào cũng mang chậu hoa mai vàng hoặc hoa đào vào nhà để lấy lộc, mong ước may mắn suốt năm. Ngoài ra, người ta có thể chưng thêm những loại hoa màu sắc rực rỡ khác để có không khí Tết.
Mâm ngũ quả thể hiện đạo lý thiêng liêng uống nước nhớ nguồn. Thường thì mâm ngũ quả gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau, ông cha ta chọn số 5 vì Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh là những điều quý giá và luôn mong mỏi đạt được 5 điều này trong năm mới. Ngũ quả cũng còn được xem như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của những người nông dân. Ngày nay, với bàn tay tài hoa, sáng tạo của người lao động đã tạo ra những loại trái cây độc lạ chưng tết trong mâm ngũ quả hết sức độc đáo. Đó là những sản vật trải qua quá trình lao động cực nhọc của những người dân lao động chắt chiu qua những vụ mùa rồi thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.
Xem thêm: Ý nghĩa và cách bài trí mâm ngũ quả ngày tết .
8. Xông nhà, hái lộc đầu xuân
Phong tục xông nhà có từ ngàn xưa, khi giao thừa đến người Việt ít khi ra khỏi nhà mà đợi người đến xông nhà rồi rồi mọi người mới được đi chúc tết nhà khác. Phong tục truyền thống ngày Tết này quan niệm rằng trong năm mới chủ nhà may mắn hay xui xẻo là do người xông nhà đầu năm vì thế mới có chuyện lựa người hợp tuổi xông nhà.
Ngoài ra, người Việt còn có phong tục hái lộc đầu năm, trong đêm giao thừa, cả nhà thường lễ chùa để cầu hạnh phúc, tốt lành, sức khỏe tốt trong năm mới. Khi ra về, họ sẽ ngắt một cành lộc ở bất kỳ cành cây nào trong chùa hoặc ngoài đường phố. Người ta quan niệm hái được cành lá tươi tốt thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn còn không thì ngược lại. Hiện nay, tục hái lộc đầu xuân dường như không còn phù hợp nên ít người thực hiện.
9. Chúc Tết hay mừng tuổi
Ngày Tết Nguyên Đán không thể thiếu phong tục chúc tết hay mừng tuổi. Đây là phong tục truyền thống ngày Tết Việt Nam có từ ngàn đời với mong ước mọi điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Phong tục này được thực hiện như sau: vào ngày mùng 1 tết con cháu tề tựu lại để chúc tết ông bà, cha mẹ.
Xem thêm: Tục lì xì ngày tết.
Sau đó, ông bà, cha mẹ sẽ lì xì lại cho con cháu những phong lì xì chứa tiền bên trong và đó phải là những tờ tiền mới. Lí do tiền lì xì phải là tiền mới vì người Việt quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới thì may mắn mới đến trong năm mới. Trong những ngày đầu năm, thường thì từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3, mọi người còn đến chúc tết anh chị em, bà con họ hàng, bạn bè để chúc những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới đến. Khi chủ nhà được chúc tết thường tiếp đãi người đến chúc tết ăn uống để thể hiện thành ý và tình thân với nhau.
10. Kiêng cữ
Kiêng cữ cũng là phong tục truyền thống ngày Tết Việt Nam. Người Việt quan niệm rằng, trong 3 ngày đầu năm, nhất định phải cẩn thận từng lời nói, từng hành động vì nó liên quan đến vận mệnh cả năm. Người ta kiêng không tặng thuốc men hay dao vì là dấu hiệu bệnh hoạn và xung khắc. Không than thở, khóc lóc, buồn bã hay đập vỡ chén dĩa vì đó là dấu hiệu của sự đổ vở gia đình. Không mặc đồ trắng hay đen vì bị xem là dấu hiệu của sự tang tóc. Không quét rác, nhất là quét xác pháo ra khỏi nhà vì bị xem là quét tiền ra cửa…
Ngoài 10 phong tục truyền thống ngày Tết Việt Nam mà chúng tôi vừa giới thiệu cho các bạn tham khảo thì ngày Tết Việt Nam còn có những phong tục khác như: Xuất hành, khai bút, xin chữ, mua chữ về thờ… Hi vọng những phong tục truyền thống nhiều ý nghĩa nhân sinh của ngày Tết Việt Nam mãi trường tồn với thời gian.