Những đặc tính của Hoa Sen trong Đạo Phật
Hoa Sen – một trong tám biểu tượng của Phật giáo. Nói đến Phật giáo, người ta thường liên tưởng đến một loài hoa bình dị, thanh cao và thoát tục sống trong ao hồ. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa lấy hoa Sen làm đề kinh.
Khi đức Phật Thích Ca đản sinh, Ngài đi bảy bước và có bảy hoa Sen đỡ bàn chân Ngài. Chư Phật, chư Bồ tát thường được miêu tả ngồi hay đứng trên đài Sen tay cầm hoa Sen.
Cây Sen mọc dưới bùn được ví cho cái tâm bị che lấp vì phiền não sinh tử. Cây vươn lên trong nước được ví cho quá trình tu tập, thanh tịnh hóa. Hoa nở bên trên mặt nước phô sức hương dưới ánh mặt trời được ví cho cái tâm đã giác ngộ viên mãn.
Hoa Sen được ví như cái âm thanh tịnh không ô nhiễm, đức hạnh, kết quả viên mãn. Đồng thời, hoa Sen còn được ví với quá trình tu tập, phát triển tâm thức. Đặc biệt, hoa Sen có tám đặc tính tuyệt diệu mà không loài hoa nào có được.
Riêng các tông phái Phật giáo có một tông lấy hoa Sen mà đặt tên cho một tông phái, đó là Tịnh Độ Tông hay còn gọi là Liên Tông. Bởi họ quan niệm rằng thế giới Cực lạc là Liên hoa tạng của Đức Phật A – di – đà.
Còn đối Phật giáo Mật tông xếp bộ hoa Sen vào một trong ba bộ Thai tạng giới. Tượng trưng cho tâm Bồ đề thanh tịnh vốn có, không bị ô nhiễm sinh tử của chúng sinh, là tam muội Đại bi của Đức Như Lai.
Ngoài ra, hoa Sen còn được biểu trưng qua những lãnh vực khác mang tính đặc thù văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc theo Phật giáo. Nhất là đối với các nước Phật giáo châu Á mà tiêu biểu là Trung Quốc và Việt Nam…
Trên thực tế, các chùa, tự viện hay các gia đình Phật tử thường lấy hoa Sen làm biểu tượng đặc trưng. Sở dĩ như vậy, vì hoa Sen đẹp tinh khiết, có hương thơm không nhiễm bùn bên trong hoa có đài có hạt.
8 đặc tính của Hoa Sen trong Đạo Phật
Trừng thanh (lóng trong – PV) – chỗ nào có hoa Sen mọc thì chỗ đó nước không bao giờ đục
Không nhiễm – hoa Sen dù mọc lên từ bùn nhơ nhưng tính chất của nó vẫn không mang mùi hôi của bùn
Viên dung – Vì hoa Sen có những cánh hoa bao bọc gương sen tròn trịa. Đây là tiêu biểu cho tính viên giác của mỗi chúng sinh sẵn có.
Kiên nhẫn – Rễ củ của Sen nằm trong bùn thật lâu để chờ đợi khi hội tụ đầy đủ nhân duyên là nó sẽ nẩy mầm ngay. Sự chờ đợi đó, tức là đức tính kiên nhẫn, nó rất cần thiết trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Hành trực – là chỉ cho thân ngay thẳng. Không có loài hoa nào mọc lên mà có thân hình (cọng sen) ngay thẳng như hoa sen. Điều nầy, để tiêu biểu: “người tu hành cần phải sửa thân và tâm cho ngay thẳng”.
Thanh lương – Giữa mùa Hạ nhưng hoa Sen vẫn bất chấp sự nóng bức mà vẫn vươn mình mọc lên. Để nói lên rằng: dù chúng ta đang sống trong nhà lửa tam giới đang bị thiêu đốt bởi những thứ lửa dục vọng tham sân si.
Ngẩu không – Hoa Sen tuy thân ngay thẳng nhưng trong ruột thì trống rỗng. Điểm đặc biệt này để nói lên một ý nghĩa rất thâm trầm là người tu hành cần phải có tính hỷ xả.
Bồng thực Hoa Sen nở ra đã có gương, có hột sẵn rồi. Đó là nhân quả đồng thời. Có nghĩa là nhân quả như hình với bóng. Hình thế nào thì bóng như thế đó.
(Bài viết có sử dụng tài liệu của Đại đức Thích Phước Thái)