Bàn về tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa tâm linh Việt Nam

Tín ngưỡng thờ Mẫu được hiểu theo một nghĩa hẹp hơn đó chỉ là dạng hình thức tín ngưỡng với tên gọi là Mẫu Tam phủ – Tứ phủ, hình thức thờ cúng những vị Mẫu cai quản trong vũ trụ.

tam toa thanh mau

Các vị Mẫu trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – Tứ phủ gồm có: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Thiên (có lúc đồng nhất với Mẫu Liễu Hạnh), Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Địa.

Nguồn gốc của tín ngưỡng Thờ Mẫu:

Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về tín ngưỡng thờ Mẫu, tuy nhiên phần lớn người Việt Nam cho rằng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian với những lý do:

1. Thờ Mẫu được hình thành trong chế độ Mẫu hệ, nó bắt nguồn từ thờ nữ thần.

2. Thờ Mẫu thiếu những tiêu chí cơ bản để cấu thành một tôn giáo như sáng thế luận, giáo luật, giáo lý, giáo hội, hệ thống tổ chức…

3. Trong thờ Mẫu yếu tố niềm tin còn dựa vào sự cảm nhận của chủ thể (mỗi người tin theo cách khác nhau), chưa mang tính hệ thống.

4. Trong các văn bản pháp luật của Nhà Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ thừa nhận có 6 tôn giáo ở Việt Nam hiện nay là: Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, đạo Tin Lành, đạo Hòa Hảo, đạo Cao đài.

Mẹ Âu Cơ và truyền thuyết đẻ bọc trăm trứng
Mẹ Âu Cơ và truyền thuyết đẻ bọc trăm trứng

Một số nhà nghiên cứu cho rằng tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên như: trời, đất, sông nước, rừng núi….Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tôn vinh các vị thần được cho là có khả năng siêu phàm, có thể điều khiển được thiên nhiên vốn mang tính quy luật. Trong quá trình mưu sinh tìm nguồn sống, con người luôn vẫn phải dựa vào thiên nhiên vì thế họ đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như đấng tối cao là Mẫu và thờ Mẫu, mong muốn Mẫu sẽ là người bảo trợ và che trở cho đời sống con người, là cứu cánh của mọi khổ đau bất hạnh.

Đạo Mẫu bắt nguồn từ thờ nữ thần (thần Lúa) và thờ mẫu thần (bà Ỷ Lan), nó mang tính bản địa, cái đó có từ thời nguyên thủy. Phát hiện khảo cổ học hiện nay người ta đã đào được tượng của nữ thần, tượng của phụ nữ với những đặc tính nữ tính rất rõ rệt. Những yếu tố bản địa phải đến thế kỷ thứ XV-XVI khi đạo thờ nữ thần, mẫu thần bản địa Việt Nam tiếp xúc với đạo giáo Trung Hoa, chúng ta đã tiếp nhận một số đặc điểm nào đó và từ đó mới hình thành nên đạo mẫu tam phủ, tứ phủ. Do vậy mà Đạo Mẫu có 3 lớp: Thờ Nữ thần; Thờ Mẫu thần; Thờ Mẫu tam phủ – tứ phủ và Mẫu tam phủ – tứ phủ là đỉnh cao của thờ Mẫu, chính là sự hòa trộn giữa cái tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa với ảnh hưởng của đạo giáo Trung Hoa.

“Mẫu” có quyền năng sáng tạo vũ trụ duy nhất, nhưng lại hóa thân thành Tam vị, Tứ vị Thánh Mẫu cai quản các miền khác nhau của vũ trụ: Thiên Phủ (miền trời), Địa Phủ (miền đất), Thoải Phủ (Thủy Phủ – miền sông biển), Nhạc Phủ (miền rừng núi). Đứng đầu mỗi Phủ là một vị Thánh Mẫu tương ứng với: Mẫu Thượng Thiên – cai quản Thiên Phủ; Mẫu Địa (địa Tiên Thánh Mẫu) – cai quản Địa Phủ; Mẫu Thoải – cai quản Thoải Phủ và Mẫu Thượng Ngàn – cai quản Nhạc Phủ. Các Mẫu cai quản các miền vũ trụ có nhiều truyền thuyết, huyền thoại khác nhau.

Quá trình biến đổi và phát triển của thờ Mẫu

Trong quá trình biến đổi, phát triển từ thờ Mẫu đến Mẫu Tam phủ rồi Tứ phủ, chúng ta chú ý tới giai đoạn từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, xã hội luôn có những biến động. Cuộc sống của nhân dân vô cùng khó khăn, bên cạnh đó sự không ổn định là tình trạng chung cho cuộc sống của mọi tầng lớp xã hội. Từ những lý do trên, người ta mong có một sức mạnh kỳ diệu để giải phóng con người ra khỏi chế độ phong kiến đang suy yếu, một xã hội rối loạn và các cuộc khởi nghĩa nông dân triền miên. Vì thế, họ cần có một Mẫu nữa, Mẫu này phải ở cõi nhân sinh mà sự hiện diện của bà ở khắp mọi nơi, mang tính phổ quát và gần gũi với những con người và họ mong muốn có một nhân vật Thánh Mẫu có thân phận như một người phụ nữ bình thường.

Vào khoảng thế kỷ 16, vừa là nhu cầu phát triển nội tại của thứ tín ngưỡng thờ Mẫu có từ trước, vừa là khát vọng của quần chúng nhân dân, vì thế tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa Việt Nam đã thờ thêm một “Mẫu” mang tính phổ biến đó là Mẫu Liễu Hạnh – quan niệm dân gian thường coi Bà là hóa thân, thậm chí đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên (vì bà là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế) và có lúc là Mẫu Địa.

Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện ở thế kỷ 16, nhưng cho đến nay: “Chưa có tài liệu chính xác để khẳng định Tứ phủ có từ bao giờ”. Cũng có thể từ Tam phủ chuyển sang Tứ phủ là sự thể hiện tư duy trong dân gian, từ Tam phủ lên Tứ phủ cho đầy đủ về vũ trụ.

Sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ nâng lên một trình độ cao hơn và toàn diện hơn. Chúng ta đều biết nếu như từ tín ngưỡng thờ Mẫu đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đã có một sự phát triển từ cụ thể lên phổ quát, thì từ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ lại có sự phát triển ở chỗ tính phổ quát ấy được bổ sung bằng những quan niệm nhân sinh và vũ trụ, nó thể hiện tính hệ thống cao hơn, đặc biệt là trong những nghi thức, lễ hội.

Trong điện thần thờ Mẫu Tứ phủ, Mẫu Thượng Thiên đã bị lu mờ bên cạnh Mẫu Liễu Hạnh. Phải chăng Mẫu Thượng Thiên vì ở quá xa trên tận trời cao nên không gắn với nhu cầu thực tế, cuộc sống hàng ngày của người dân nên bị lãng quên. Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện đã kéo theo những thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ gần với đời thường, với trần gian.

Tam tòa Thánh Mẫu
Tam tòa Thánh Mẫu

Một điều đáng chú ý là đa số trong các điện thờ hiện nay chỉ có Tam Tòa Thánh Mẫu. Trong đó tượng Mẫu Liễu Hạnh được đặt ở giữa và hai bên là Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Không có tượng Mẫu Thượng Thiên là do theo quan niệm dân gian Mẫu Liễu Hạnh cũng vốn là con gái của Ngọc Hoàng. Có thể với lý do đó mà Mẫu Liễu Hạnh đồng thời là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Địa (địa Tiên Thánh Mẫu).

Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ lúc đầu là tín ngưỡng của người Việt ở Bắc Bộ, sau đó mở rộng ra khắp các vùng trong cả nước. Đến nay, đã ghi nhận hơn 250 di tích thờ cúng các nữ thần, trong đó số đông được gọi là Mẫu, Thánh Mẫu, Vương Mẫu, Quốc Mẫu.

Vai trò của tín ngưỡng thờ mẫu trong đời sống:

thap-huong-tho-cung-640x426

Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện từ rất sớm, nó đã tồn tại cùng chiều dài lịch sử của dân tộc. Vì vậy, nó có vai trò, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội:

1. Trong đời sống văn hóa, chính trị – xã hội

Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu thu hút rất nhiều người, các sinh hoạt tín ngưỡng thời gian trước đây diễn ra bán công khai, nay với chính sách tự do tín ngưỡng và tôn giáo của Nhà nước ta thì nó trở nên công khai hơn, tự do hơn. Chính vì thế, vai trò và ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Mẫu đối với chính trị – xã hội ngày càng lớn.

Thực tế cho thấy, nếu một số người trong chúng ta từ một cách nhìn nào đó coi sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu như một thứ trở lực xã hội gây hao tổn thì giờ, tiền bạc…mà đi đến bài trừ hoặc cấm đoán một cách thái quá loại hình tín ngưỡng dân gian này, có thể dẫn tới việc vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Ngược lại, nếu chúng ta để hiện tượng lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng và tôn giáo của Nhà nước ta để chống lại Nhà nước, phá hoại sự nghiệp đoàn kết toàn dân, hoạt động mê tín dị đoan thì điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn hóa – xã hội, dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Việc thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc bộ cũng có những vai trò tích cực đối với cộng đồng, cho dù nhiều Mẫu chỉ là một nhân vật huyền thoại nhưng vẫn mang tính chất hiện thực. Thờ Mẫu đã phản ánh được trong lịch sử văn hóa của tổ tiên ta là những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và vai trò quan trọng của người phụ nữ luôn có vị trí quan trọng trong gia đình, xã hội và trong đời sống cộng đồng. Có thể nói: “Người tiểu nông Bắc Bộ đã sử dụng tôn giáo tín ngưỡng truyền thống như chỗ dựa tinh thần không thể thiếu qua nhiều thế kỷ ”.

Tín ngưỡng thờ Mẫu đóng vai trò quan trọng trong việc dung nạp các tín ngưỡng, tôn giáo khác ở Việt Nam. Góp phần trong truyền thống hòa đồng các tôn giáo, tín ngưỡng: Thánh, Thần, Phật,…đều phù hộ độ trì cho con người. Tín ngưỡng thờ Mẫu với tư cách là một tín ngưỡng bản địa, còn có sự ảnh hưởng ngược lại đối với tôn giáo ngoại nhập như Phật giáo, Công giáo,…

Tín ngưỡng thờ Mẫu còn có vai trò là liên kết tinh thần giữa những người có cùng một niềm tin vào các “Mẫu”, người ta có thể liên kết với nhau đôi lúc rất chặt chẽ trên nhiều phương diện ngay cả khi họ không cùng ý thức chính trị. Bởi vì, bản thân tín ngưỡng này đã có sức mạnh cố kết tinh thần mạnh mẽ. Sự cố kế ấy được nâng lên nhờ sự “linh thiêng” của các “Mẫu” và các thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Nếu tổ chức tốt các sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu ở các vùng, các địa phương sẽ làm tăng cường tình đoàn kết, cảm thông lẫn nhau một cách sâu sắc hơn giữa các thành phần và các tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Những giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được xem là có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng, nếu gạt bỏ những tiêu cực thì tín ngưỡng thờ Mẫu đã góp phần đáng kể cho bản sắc văn hóa Việt Nam: Từ truyền thuyết, văn chầu, trang phục trong điện thần đều là nét độc đáo về văn hóa, nghệ thuật. Ngoài ra, bên cạnh hát chầu văn theo nhạc điệu còn có múa đồng. Đó là những di sản văn hóa dân tộc rất quý giá cần được đánh giá đúng mực, cần bảo tồn và phát triển.

2. Trong đời sống tinh thần và đạo đức truyền thống

Khi xã hội phát triển toàn diện thì cuộc sống của nhân dân lao động cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Trong đó, tín ngưỡng cũng trở nên không thể thiếu được đối với một bộ phận cư dân có nhu cầu trong đời sống tâm linh của họ. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng là một nhu cầu thuộc đời sống tinh thần của một số người.

Từ việc nghiên cứu khảo sát thực trạng văn hóa lễ hội truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc bộ đã cho thấy vai trò của phần “lễ” và phần “hội” trong xã hội ngày nay là là rất to lớn. Ngoài việc chấn hưng nền văn hóa dân tộc, nó còn lưu truyền những tinh hoa văn hóa giàu bản sắc địa phương, có tính chất vùng miền…vốn có từ xa xưa do cha ông để lại cho con cháu sau này. Nó giúp cho thế hệ con cháu đời sau nhớ về cội nguồn lịch sử dân tộc, ca ngợi Mẹ khởi thủy, Mẹ dạy nghề. Bởi vì các Mẹ là anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc. Ý thức về cộng đồng cũng được củng cố thêm trong lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, cái đẹp của lễ hội là đề cao và khuyến khích chính những phẩm chất tốt đẹp của cộng đồng được thể hiện qua các nhân vật được cử lễ. Các hình tượng nhân vật trong tín ngưỡng thờ Mẫu thực chất là tinh hoa và thể hiện khát vọng của cộng đồng tích tụ lại trong đấy mà thôi.

Tín ngưỡng thờ Mẫu còn là nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng, là chỗ dựa tâm linh cho một bộ phận dân cư khi họ tin và đi theo thứ tín ngưỡng này. Ngoài ra, lễ hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu còn mang tính thiêng liêng, phản ánh tình cảm, sự ngưỡng mộ về vai trò của người mẹ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong sinh hoạt của tín ngưỡng thờ Mẫu đã giúp liên kết mọi người, thậm chí vượt ra khỏi giới hạn của tư tưởng định kiến tôn giáo hoặc sự cục bộ địa phương để cùng hướng về một đối tượng linh thiêng, với một lễ hội thống nhất. Nó còn phát khởi mối thiện tâm trong mỗi con người trong các mối quan hệ xã hội.

Biểu tượng của các Mẫu được thờ ở đồng bằng Bắc bộ bao giờ cũng mang một ý chí kiên cường, sức mạnh tổng hợp để chiến thắng giặc ngoại xâm, thiên tai nhằm xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đây chính là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Vai trò và ảnh hưởng của tín ngưỡng và lễ hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu còn được thể hiện qua cách ứng xử, tấm lòng, tâm hồn thật đẹp của các nhân vật được tôn thờ, nhất là những cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam là một biểu tượng cần được đề cao và luôn ghi nhớ.

Thực tế, khi một ai đó bước chân vào những nơi thờ tự họ đều nghĩ rằng đây là chốn linh thiêng. Cho nên, tín ngưỡng có thể khơi dậy tính lương thiện và bản chất chân thành của con người vì họ muốn thể hiện sự tốt đẹp của mình trước những vị thần linh.

Khi con người tin vào một tín ngưỡng hay một tôn giáo nào đó thì người ta tin rằng với không gian và thời gian linh thiêng đó, mọi lời cầu xin sẽ được thiêng hóa vì đã có các thánh chứng giám. Họ tin vào điều đó, có thể đời họ chưa thực hiện được, nhưng đời con cháu họ sẽ đạt được. Trong chiều sâu tâm thức của con người, niềm tin đã đánh thức và thúc giục họ đến một nhu cầu hiện thực hóa những đối tượng họ tin dưới dạng lý tưởng nhất. Mặt khác, người Việt luôn tâm niệm rằng con cái được hưởng phúc từ người mẹ nên có câu “phúc đức tại mẫu”. Vì vậy tín ngưỡng thờ Mẫu đã góp một phần vào việc giáo dục và hướng con người đến với Chân – Thiện – Mỹ.

Hình ảnh người Mẹ trong tín ngưỡng thờ Mẫu cũng là người Mẹ có công sinh thành và nuôi dưỡng đàn con:

Một lòng thờ Mẹ, kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Và tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc bộ là một loại hình tín ngưỡng dân gian gắn liền với tập tục, truyền thống văn hóa đạo đức của người Việt Nam.

3. Trong quá trình hội nhập kinh tế và văn hóa

Chúng ta đã biết, giữa văn hóa với kinh tế- xã hội có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, Đảng ta đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội”.

Với những định hướng trên, chúng ta đã đặt Việt Nam trong bối cảnh: “Thế giới đã bước vào nền văn minh mới, văn minh trí tuệ, còn văn hóa không chỉ gắn với phát triển mà còn có khả năng điều tiết sự phát triển đúng hướng”.

Khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đây cũng là điều kiện để cho sự tích hợp và phát huy mọi tiềm năng văn hóa tinh thần vốn có của dân tộc, là tiền đề cho sự mở rộng mọi mối quan hệ tiếp xúc, giao lưu, hội nhập văn hóa giữa các vùng, miền trong và ngoài nước. Con người có cơ hội bày tỏ những tâm tư nguyện vọng của mình, vừa được giao lưu tình cảm với cộng đồng… Nhưng xuất hiện cùng lúc này là hàng loạt vấn đề đặt ra do cơ chế thị trường đem lại.

Xu hướng “thương mại hóa” lại ảnh hưởng đến lễ hội dân gian của loại hình thờ Mẫu. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường còn bộc lộ đến một số người dân sở tại nơi có đền, phủ, miếu thờ Mẫu. Họ đến với Mẫu không còn xuất phát từ nhu cầu tâm linh mà bởi nhu cầu kinh tế.

Thực tế, trong thời đại ngày nay khi mà xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang phát triển ở nước ta, hiện đang có nguy cơ lãng quên hoặc không quan tâm đến những giá trị của tín ngưỡng truyền thống, những sự kiện lịch sử của dân tộc mà ông, cha đã để lại. Đây là lúc cần phát huy vai trò, ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng vào phần “lễ” và “hội” để mọi người cùng tham gia những lễ hội đó. Hạn chế những tác động và du nhập của văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng ngoại lai có hại cho sự phát triển văn hóa của dân tộc ta. Từ đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ con cháu và mọi người dân.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được thực hiện, nền kinh tế nước ta đã phần nào khởi sắc. Nhưng một hiện tượng khá nổi bật mà rất nhiều người quan tâm, ngay cả những quốc gia được coi là phát triển cũng không tránh khỏi đó là sự chênh lệch khá lớn giữa những người được coi là giàu có và những người còn quá nghèo. Sự bất bình đẳng đó thường ngày là khoảng cách giữa mọi người có thể tách biệt về thân phận, địa vị xã hội, các thành phần kinh tế… Nhưng với những người tin và đi theo tín ngưỡng thì khi vào đền, phủ, miếu, chùa đứng trước ban thờ, điện thờ, trước những làn khói hương thì mọi người đều bình đẳng, dân chủ, không có sự phân biệt.

Được đóng lại.