Nạo phá thai và Nhân quả
Trong giáo lý nhà Phật, sát sinh chính là một trong những tội nặng nhất. Trong đó, giết người hay phá thai được xem là điều tối kỵ.
Luân hồi là giáo lý vô cùng quan trọng của nhà Phật. Khi một người mất đi, thần thức của họ vẫn tồn tại. Sau 49 ngày, thần thức sẽ theo nghiệp đầu thai theo 6 nẻo luân hồi. Đó là cõi Trời, cõi Người, cõi Atula, cõi Địa ngục, cõi Ngạ Quỷ, cõi Súc sinh.
Theo Đại đức Thích Bản Quyền, Trụ trì chùa Phúc Long (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), nếu được đầu thai làm người thì phải có 3 yếu tố. Thứ nhất là tinh cha, hai là huyết mẹ, ba là hơi ấm (tức thần thức). Khi bào thai bị người mẹ “bỏ”, thần thức sẽ bị tổn thương, chịu nghiệp bất thiện. Linh hồn đứa trẻ khó đầu thai thành người ở kiếp sau.
“Một cái thai nếu đến 7 tuần được coi là một mạng sống hoàn chỉnh. Trong vòng 7 tuần, nếu người mẹ nào phá bỏ đã mang tội, nhưng ở mức độ nhẹ. Còn nếu quá 7 tuần mà cố ý nạo phá thai thì đồng nghĩa với việc mắc tội sát sinh”, Đại đức Thích Bản Quyền nói.
Nhân quả của việc sát sinh là sức khoẻ kém, mạng yểu, luôn gặp bất hạnh, không may mắn… Theo quan điểm của nhà Phật, một đứa trẻ khi tái sinh vào gia đình nhà nào đó có 4 nguyên nhân.
Thứ nhất là để đòi nợ. Đó là khi bố mẹ sinh ra, đứa bé khó nuôi, bệnh tật ốm đau. Nó làm cho cuộc đời của đấng sinh thành đau khổ, lam lũ, đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa yên lòng được. Trường hợp này cha mẹ kiếp trước nợ con cái nên kiếp này chúng đến để đòi lại.
Trường hợp thứ hai là để trả nợ. Đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, mau ăn, mau lớn, ngoan ngoãn không để cho mẹ phiền lòng vì bất cứ việc gì.
Thứ ba, có những đứa con sống lo cho cha mẹ đầy đủ về nhiều mặt từ vật chất đến tinh thần. Chúng học hành chăm chỉ, đỗ đạt làm quan giúp cho cha mẹ nở mặt nở mày với bà con chòm xóm, với bạn bè xung quanh. Đây là trường hợp báo ân.
Còn cuối cùng là có những đứa con gây cho cha mẹ khổ đau, oan ức, uất giận. Thậm chí, có trường hợp vì con hư hỏng mà tức giận đến chết. Đây là trường hợp báo oán.
Người cha, người mẹ vì một lý do nào đó mà phải từ bỏ con mình thì đều gây thêm oán hờn. Nếu đứa con đến để trả nợ mà cha mẹ lại bỏ đi thì vô tình biến ân thành oán. Nếu đứa con đến với tâm niệm báo oán thì oán lại chất chồng. Và cứ mỗi lần phá thai, sự oán hận, sự trả thù lại càng cao và càng chất đầy hơn nữa.
Nhà Phật có nói được làm người khó như một con rùa mù ở giữa biển cả mênh mông, phải rất lâu mới được trồi lên mặt nước một lần. Trên mặt biển có một khúc gỗ mục trôi, con rùa làm sao trồi lên gặp đúng bộng cây đang trôi vô định đó, điều ấy thật khó xảy ra.
Vậy, khi một người mẹ chối bỏ một thai nhi nghĩa là chỉ trong một phút, họ đã phá đi sự cố gắng, tu tập một kiếp thậm chí là ngàn kiếp của một đứa trẻ. Điều này khiến người mẹ gặp đau khổ, bất hạnh hoặc khó đầu thai ở đời sau.
Cha mẹ vì một lý do nào đó mà phải từ bỏ con của mình thì điều đầu tiên là phải thành tâm sám hối. Sau đó cúng thí thực cho hương linh hoặc cầu siêu ở các chùa.
Xem thêm: Vong hài nhỉ đỏ