Quan niệm về giải hạn đầu năm – Hiểu sao cho đúng !
Theo phong tục cổ truyền của các nước trên thế giới, mỗi quốc gia lại có những quan niệm về sự tác động tâm linh đến đời sống con người khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là đầu năm mới quốc gia nào cũng có những nghi thức cầu an và giải hạn đầu năm.
Các nghi thức đó thường gắn liền với quan niệm và tín ngưỡng riêng của mỗi dân tộc.
– Người theo Thiên Chúa thì mong được rửa tội và chúc phúc.
– Người theo Đạo Phật thì mong được cầu an, và giải nghiệp.
– Người theo Thần Tiên Đạo Giáo thì mong được giải hạn và cầu tài v.v…
Tất cả những quan niệm đó đều mang tính chất giáo dục con người để hướng đến những gì tốt đẹp nhất. Đó là ước nguyện chính đáng của con người.
Việc tín ngưỡng với Thần Tiên, Phật Thánh là không có gì sai trái nó chỉ có thể làm cho con người tốt hơn, nhân văn hơn.
Ở phương tây từ rất sớm khoảng những năm 1645 trước công nguyên các nhà chiêm tinh học Babylon cổ đại đã hình thành quan niệm về các cung hoàng đạo nó có thể tác động đến số phận của con người khi họ sinh ra vào các cung đó. 12 cung hoàng đạo đó là:
– Bạch Dương, Cự Giải, Bảo Bình, Ma Kết.
– Kim Ngưu, Sư tử, Hổ Cáp,Thiên Bình.
– Song Tử, Xử Nữ, Nhân Mã, Song ngư.
Rất nhiều nước trên thế giới áp dụng cách xem này để tự mình cầu nguyện Chúa Trời, mong sao điều tốt sẽ đến và tránh được những tai hoạ.
Ở phương đông mỗi quốc gia, mỗi đạo giáo lại có những phương pháp riêng của mình.
+ Quan niệm của Phật Giáo thì phúc đến do anh tạo được duyên, mà hoạ đến bởi do anh tạo nghiệp. Muốn thoát hoạ thì bỏ tham sân si, tự thân tu theo bát chính đạo ắt sẽ tốt, đó là những triết lý của đạo Phật.
+ Ở Ấn Độ Đạo Hindu người ta rất sợ hai vị thần đó là Rahu ( La Hầu ) thần Rắn hay nuốt mặt trời và mặt trăng, và Ketu ( Kế Đô ) là vị thần bóng râm…
+ Ở Trung Quốc người ta quan niệm về hạn của “Thất Chính và Tứ Dư”.
– Thất chính là: Thái dương, Thái âm, Thái bạch, Mộc đức, Thuỷ Diệu, Vân hán, Thổ tú. Đó là mặt trời, mặt trăng, sao kim, sao mộc, sao thuỷ, sao hoả, sao thổ.
– Tứ dư là: Nguyệt Bột, Tử Khí, La Hầu và Kế Đô.
* Nguyệt bột là mặt tối của trăng nhỏ lại, thu lại và được coi như một hung tướng.
* Tử khí là khí chết, nghĩa là các khí xấu.
* La Hầu và Kế Đô là giao điểm của mặt Trời, Trái Đất, và mặt Trăng tạo nên nhật thực, nguyệt thực ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu.
Người Trung Quốc hàng năm đều đi giải thái tuế chính là giải những điều xấu để cầu mong những sự tốt đẹp. Họ lưu tâm đến sao Bắc Đẩu, Nam Đẩu và sao Tử vi tinh quân. Họ không quan tâm nhiều đến hạn Tam Tai, và hạn Kim Lâu.
Quan Niệm của Việt Nam.
Trong quan niệm dân gian Việt Nam truyền miệng từ lâu đời thì đầu năm người ta đi dâng sao giải hạn các sao xấu và cúng lễ các sao tốt, ngoài ra còn giải hạn tam tai, và hạn kim lâu.
Trong cuốn Giải Hạn Đẩu cổ nhất cách đây 1200 năm thời nước An Nam năm 766 đến năm 866 do một vị Quan Tiên ở Phủ Tuyên Quang soạn thảo, mà chúng tôi đã dịch thì có nói đến giải sao, giải tam tai và kim lâu.
Quan niệm lưu truyền rằng:
Giải sao gồm:
– Đông phương bát thập nhất tinh quân (81 sao)
– Nam phương lục thập nhị tinh quân (62 sao)
– Tây phương tam thập ngũ tinh quân (35 sao)
– Bắc phương tam thập lục tinh quân (36 sao)
– Trung ương tam thập cửu tinh quân (39 sao)
Trong đó cũng giải hạn đầy đủ 7 sao chính và 4 sao dư. Có đầy đủ kinh giải và phương pháp giải.
Giải Tam Tai. Là giải hạn cho những tuổi phạm tam tai, là ba năm trong 12 chi sẽ gặp phải, những tai bay hoạ gió, ba năm đó chính là năm tuổi của mình và hai năm tuổi hợp trong tam hợp, nên các cụ thường nói “tam hợp biến tam tai” là vậy.
Giải Kim Lâu. Các cụ thường nói:
“1. 3. 6. 8 Kim Lâu, dựng nhà, lấy vợ, tậu trâu thì đừng!”.
Lại có câu : “Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”
Có hai cách để hiểu:
– Cách một là cứ tính theo tuổi âm mà phạm vào 1.3.6.8 thì đàn ông chớ có làm nhà, mà đàn bà chớ có lấy chồng.
– Cách hai là lấy tuổi âm chia cho 9 nếu dư 1.3.6.8 là phạm kim lâu.
Vậy hiểu thế nào cho đúng về giải hạn cầu an đầu năm.
Theo tín ngưỡng của Thần Tiên và Đạo Giáo thì trong Thiên Giới có các vị thần cai quản mọi sự ở trần gian, có những vị thần thì trừ tà diệt ác, có những vị thần thì ban tài ban lộc, có vị thần ban phúc ban thọ v.v… do vậy nếu cầu an và giải hạn thì đều là những nguyện vọng tốt đẹp, nó không hề sai trong tín ngưỡng và đạo đức.
Tuy nhiên mấy năm gần đây chùa Phúc Khánh tổ chức giải hạn cho nhân dân có sai không? Trong giáo lý nhà Phật không có nói đến sao La Hầu, Kế Đô v.v… vậy nhà sư đọc kinh Phật để giải sao là báng bổ chân lý của đạo Phật. Nếu cầu an cho nhân dân thì đúng tinh thần của đạo Phật, nhưng hình thức phải đóng tiền mới được giải hạn cầu an, hoặc mua vé mới được vào đền chùa… thì không đúng tinh thần hỷ xả và phụng đạo, làm hoen ố đạo đức và nhân phẩm con người, lại mắc tội bất kính với đạo.
Nhà sư cũng không nên báng bổ Thần Linh bởi bất kỳ sự giải thích nào của các vị về Thần Tiên nếu tôn cao Phật hạ thấp hoặc không công nhận Thần Tiên thì đều phạm tội chưa hiểu hết đạo trời, có Tây Phương Cực Lạc thì phải có Đông Phương Trường Lạc, mới đến một cõi thì chưa biết được trời rộng bao nhiêu.
Việc cầu an giải hạn cho nhân dân phải làm bằng chính tâm đức của mình, mình phải phát nguyện tự làm cho dân, không được thu tiền của nhân dân bằng bất kỳ hình thức nào, cả một năm hưởng lộc tiền công đức mà đầu năm lại thu tiền của dân mới giải hạn cầu an cho dân thì thật là bất kính với dân. Nếu có doanh nghiệp nào tài trợ để cầu an giải hạn cho dân thì tốt mà không có thì các thầy phải tự bỏ tiền túi của mình ra mà làm cho dân, đó mới là chân tu, đạo nào cũng vậy thôi.
Theo Gs-Vs. Lương Ngọc Huỳnh