Ngọc Hoàng Thượng Đế vị vua tối cao của bầu trời

Ngọc Hoàng Thượng Đế còn gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, gọi tắt là Ngọc Đế, được coi là vị vua tối cao của bầu trời, là chủ của Thiên đình trong quan niệm của người Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á

Ngoài ra, Ngọc Hoàng Thượng Đế còn được gọi bằng các tôn hiệu: Thiên Đế, Ngọc Đế,

Người đời quan niệm Ngọc Hoàng Thượng Đế cai quản toàn bộ bầu trời, mặt đất, biển cả, và cõi âm phủ. Ngài đứng đầu tất cả các thần, tiên, có quyền lực tối cao với các quyền năng tự nhiên như mây mưa sấm chóp, nước lửa… có quyền ra lệnh cho các vị thần thực hiện các ý định của mình, thường là những điều tốt đẹp. Ngọc Hoàng cũng là người xét phong cho các vị thần, hoặc xét phạt các thần tiên cũng như toàn bộ chúng hữu tình có ở trong 3 cõi Thiên – Địa – Nhân.

Hình tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế do Phật giáo của Ấn Độ gặp Đạo giáo của Trung Quốc rồi truyền qua Việt Nam. Đến đây gặp tín ngưỡng bản địa thì tạo thêm những hình tượng mới. Sau này ở Việt Nam hình thành và phát triển tư tưởng Tam giáo đồng nguyên (Ba tôn giáo Phật, Lão, Nho cùng một gốc), nên trong chùa có thờ cả Phật, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tiên Thần, Mầu, và cả những người có công với triều đình, quốc gia, tạo nên một thế giới tâm linh chung, không còn tách biệt, mà trong đó Phật là trung tâm và cao nhất.

Hình tượng tiêu biểu của Đạo giáo trong chùa là tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế và Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngài có vai trò như Thiên chủ Indra (Đế Thích) của Ấn Độ, cai quản bầu trời, thế giới thần và người. Bắc Đẩu chuyên ghi sổ sinh, Nam Tào ghi sổ tử.

Ngọc Hoàng được cho là ở và làm việc tại một cung điện trên trời gọi là Kim Khuyết Vân cung Linh Tiêu bảo điện (gọi tắt là điện Linh Tiêu), nơi có rất nhiều tiên nữ hầu hạ, và các thiên tướng, thiên binh canh gác.

Theo truyền thuyết thì Ngọc Hoàng đã tu 1550 kiếp, mỗi kiếp (kalpa) dài 126 nghìn năm, mới lên được ngôi vị Ngọc Hoàng. Một vài đạo giáo ở Việt Nam còn gọi Ngọc Hoàng Thượng Đế với nhiều danh từ khác nhau: Chúa Trời, Ông Trời, Đại Từ Phụ, Đấng Tạo Hóa, Đức Chí Tôn…, là đấng tạo hóa sáng lập ra Càn Khôn vũ trụ và vạn vật, là nguồn cội của các tôn giáo, là đấng tối cao toàn năng, làm chủ cả thần, thánh, tiên và con người cùng cây cỏ, muông thú…

Ở thuyết khác thì NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ thống lãnh trời, đất, người, thần linh ba cõi, cùng quản lý mọi sự thịnh suy tốt xấu của vũ trụ vạn vật. Ngài có các thuộc hạ như: Văn Xương đế quân coi về sự học hành, Quan Thánh đế quân coi về việc mua bán, Xảo Thánh Tiên sư coi về công nghiệp, Thần Nông Tiên đế coi về nghề nông, Đông Nhạc đại đế cai trị các địa phương, cùng với những phụ tá như: Thanh Sơn vương, Thành Hoàng gia, Thổ Địa công, Địa Cơ chủ. Ngoài ra còn có nhũng vị coi về phần âm như: Phong Đô đại đế và Thập Điện Diêm Vương, v.v. Tất cả đều dưới quyền cai trị, chỉ đạo, phân bổ của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ.

Danh xưng Ngọc Đế xuất phát từ sự tôn trọng “Ông Trời” của người xưa, coi là một vị “VUA”, có năng lực chi phối hết thảy trên trời dưới đất, hai bên chư thần văn võ. Sau này, lợi dụng tinh thần sùng bái “Ông Trời”, người ta gọi vua là “Con của Trời” (Thiên tử), nên “vua mà nói ra thì tất cả phải nghe theo”.

Về lĩnh vực họa hình thì mãi về sau này mới có chính thức. Đó là hình tượng một vị Vua “mình mặc loại y phục Cửu Chương, đầu đội mão Thập Nhị Hành, tay cầm Ngọc Hốt, là cái hốt, ngày xưa vua quan ra chầu đều cầm trên tay, hoặc làm bằng ngọc, hoặc làm bằng tre, ngà, có việc gì định nói thì viết lên giấy để phòng cho khỏi quên. Đời sau hay làm bằng ngà voi mà chỉ các quan cầm thôi). Hai bên Ngọc Hoàng có Kim Đồng, Ngọc Nữ theo hầu, hoàn toàn mô phỏng theo y phục của các triều đại vua chúa ngày xưa.

Người xưa lấy ngày 9 tháng Giêng Âm lịch là ngày “Đản sinh” của Ngọc Đế. Tháng giêng là tháng khởi đầu của năm, chủ của bốn mùa, cây cối nhờ vào Mộc khí mà sinh sôi nảy nở. số 9 là con số lớn nhất của các số, đại biểu cho ý nghĩa “cực đại, cực đa, cực cao”. Cho nên, người ta lấy con số 9 đầu tiên (thượng cửu) của năm (9 tháng Giêng) làm ngày sinh của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là tỏ ý tôn sùng ngài. Qua đây ta thấy khi nói đến ngày sinh của các vị thần, chúng ta cần phải lưu ý đến hàm nghĩa của “con số” biểu trưng.

Việc cúng bái NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ có nguồn gốc quan hệ đến sự sùng bái Trời Đất của người xưa và tư tưởng kinh Trời sợ Đất của con người mà thành. Người xưa cho rằng, Trời là vị chúa tể của vạn vật, là nguồn gốc của sự sinh, dưỡng và kiện toàn muôn vật, cho nên mọi người không thể không kính Trời sợ Đất, thuận theo ý Trời mà hành đạo. Cho nên người làm vua là để phụng mệnh Tròi, nhân danh “Con Trời” để cai trị dân chúng thì nhất nhất không thể không sùng bái Trời, nên phải có định kỳ “Te Trời”. Đó là chức trách tối quan trọng của nhà vua. Trải qua nhiều triều đại, mồi năm nhà vua đều phải cử hành “LỄ GIAO” (lễ tế Trời), nhưng chỉ có nhà vua mới là người “đủ tư cách tế Tròi” mà thôi! Mãi về sau này, khi thời đại phong kiến kết thúc, dân chúng mới bắt đầu được phép “tế Trời”. Nhưng Trời không thể hiểu như là “bầu trời xanh trên cao” được, khái niệm Trời rất vô hình, mênh mông, thì làm sao biết chồ nào, người nào để cúng tế? Vì vậy, người ta phải cụ thể hóa Trời bằng danh xưng “NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ ” để có đối tượng rõ ràng mà cúng bái.

Việc cúng tế “Ông Trời” phải được thực hiện sao cho long trọng, trang nghiêm hơn các Thần linh khác, vì Ngài là vị quyền uy tối cao trên tất cả thần thánh khác. Do đó, lúc đầu không ai dám đưa hình tượng nào về Ngài để cúng tế, mà chỉ dùng hai biểu tượng là “Thiên Công Lô” (lò hương cúng Trời) và “Thiên Công Tòa” (ngai vua Trời) để cúng bái mà thôi. Các Miếu thờ đều đặt “Thiên Công Lô” ở trước cửa, khi cúng bái thì ngẩng mặt lên trời mà vái, từ đó phát sinh tục lệ đốt nhang trong cúng tế. Đốt nhang là để gửi lên Ông Trời.

Trong con mắt của mọi người, NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là lớn nhất, nên việc cúng tế phải làm rất cẩn thận. Vào buổi chiều hôm trước (tức chiều mùng 8 tháng Giêng), cả nhà già trẻ lớn bé đều ăn chay, tắm gội sạch sẽ, sửa soạn phẩm vật thịnh soạn. Ke đó, dâng hương cúng tế, lạy ba lạy (Tam Thiên Phật) chín vái (9 phương Trời). Vì địa vị của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ quá cao, nên phàm những việc nhỏ nhặt như cầu tài, cầu tự, cầu danh, cầu lợi… Ngài đều phán cho các Quan hay Thần Tiên phụ trách mảng việc mà chu phù. Vì thế, khi cúng Ngọc Đế, tất phải nhớ cúng thêm cả hai ban văn võ bá quan theo hầu cận Ngài, không được chỉ để một tượng Ngọc Đế đơn độc mà cúng. Nghi thức cúng Trời chỉ diễn ra từ khuya đêm mùng Tám đến khi mặt trời mọc sáng mùng Chín thì ngừng. Trên bàn cúng Trời, có: cặp đèn “thần đăng”, năm thứ trái cây (cam, quít, tần quả, chuối, mía), phải đủ 5 màu, nấu sáu món chay là: kim châm, mộc nhĩ (nấm mèo), nấm hương cô, rau thái tâm, đậu uyển, tàu hủ, tất cả thức ăn đều phải được đậy kỹ bằng vải lưới thật mỏng. Đặc biệt còn phải có ba hộp trà ngon. Có tổ chức múa mâm vàng, ca hát chúc tụng, phát “lộc”. Một vài nơi, người dân có tục cúng gà trong dịp này, phải dùng gà trống để cúng chứ không được dùng gà mái.

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.